Đơn phương ly hôn khi vợ đang lao động ở nước ngoài
Tạp chí Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam nhận được câu hỏi của bạn đọc ở TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước: “Xin Tòa soạn cho biết về quyền yêu cầu đơn phương ly hôn với vợ đang lao động ở nước ngoài?”.

Sau khi nhận được câu hỏi của độc giả, Tạp chí phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam đã chuyển nội dung này tới Luật sư Đỗ Minh Chánh, Tư vấn viên pháp luật, Trung tâm Tư vấn pháp luật tại Thành phố Hồ Chí Minh (Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam).
Theo Luật sư Đỗ Minh Chánh, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng khi những mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Ly hôn được công nhận theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Nguyên tắc cơ bản của pháp luật về hôn nhân, gia đình là nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ. Do đó, ly hôn cũng phải dựa trên nguyên tắc trên. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi ly hôn giả tạo, cưỡng ép, lừa dối cản trở ly hôn.
Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn như sau:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bạn có quyền yêu cầu đơn phương ly hôn với vợ đang làm việc ở nước ngoài theo khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình. Trừ trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Ly hôn đơn phương bạn cần nộp đơn ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi vợ chồng cư trú hoặc nơi vợ cư trú trước khi đi làm ở nước ngoài theo khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Người bị ly hôn có thể vắng mặt không?
Ly hôn không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Theo Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu vợ hoặc chồng vắng mặt, Tòa án vẫn sẽ giải quyết ly hôn trong các trường hợp sau:
- Người vắng mặt có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
- Vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Trong đó, nếu người bị ly hôn vắng mặt lần đầu thì Tòa án sẽ hoãn nhưng nếu vắng mặt đến lần thứ hai thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt.

Ai được quyền nuôi con trong trường hợp đơn phương ly hôn?
Không giống với thuận tình ly hôn, vợ chồng thoả thuận được về việc ai nuôi con, ai chăm sóc con và ai phải cấp dưỡng cho con, thủ tục ly hôn đơn phương thường có tranh chấp giữa cha mẹ về việc giành quyền nuôi con.
Theo đó, khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, nếu cha mẹ không thoả thuận được con sẽ ở với ai khi ly hôn thì Toà án sẽ quyết định căn cứ vào:
- Quyền lợi mọi mặt của con để quyết định.
- Có tham khảo ý kiến, nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
- Giao con dưới 36 tháng tuổi cho mẹ nuôi, trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con.
Việc được quyền nuôi con sẽ tuỳ vào từng trường hợp, điều kiện, hoàn cảnh của cha mẹ để Toà án quyết định sẽ giao con cho ai được nuôi dưỡng. Người không nuôi dưỡng sẽ được quyền thăm nom, chăm sóc và cấp dưỡng cho con.
Phân chia tài sản chung khi ly hôn?
Thứ nhất, chia tài sản sau khi ly hôn theo thỏa thuận
Căn cứ khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình thì trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó
Thứ hai, chia tài sản sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật
Nếu thỏa thuận phân chia tài sản của cặp vợ chồng không rõ ràng thì sẽ phải phân chia tài sản theo pháp luật quy định. Việc phân chia tài sản này cũng phải phù hợp và đúng với quy định của pháp luật mà không ảnh hưởng đến lợi ích hay phúc lợi của bên thứ ba.
Nguyên tắc phân chia tài sản theo quy định của pháp luật phải tính đến các yếu tố như sau:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Ngoài ra, việc phân chia tài sản chung sau khi ly hôn còn phải theo nguyên tắc sau:
- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị. Bên nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
- Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó. Trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
- Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.