Tội giả mạo trong công tác là gì? Mức phạt mới nhất thế nào?
Chiều 20/1, Công an Thanh Hóa đã khởi tố và bắt tạm giam 3 bị can: Lê Văn Biền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân; Hoàng Lộc Ninh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện; Lê Năng Dũng, Phó trưởng phòng TNMT huyện Thọ Xuân về tội “Giả mạo trong công tác".
Theo tài liệu của cơ quan Công an, trước đó, dù chủ đầu tư dự án Bệnh viện Đa khoa Lam Sơn (xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân) mới chi trả hơn 1,2 tỷ đồng tiền giải phóng mặt bằng (tương ứng 11.460,7m2 và bằng 1/4 diện tích đất dự án), nhưng các bị can Lê Văn Biền, Hoàng Lộc Ninh và Lê Năng Dũng đã soạn thảo, ký và gửi tờ trình cho UBND tỉnh Thanh Hoá và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hoá báo cáo là chủ đầu tư đã thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, đề nghị UBND tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 41.975m2 tại xã Thọ Xương cho chủ đầu tư.
Thế nào là giả mạo trong công tác?
Giả mạo trong công tác là hành vi của một người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung các giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn hoặc làm, cấp các giấy tờ giả. Sửa chữa, làm sai nội dung giấy tờ là hành vi tẩy xoá, viết thêm, bỏ bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung giấy tờ đó không còn đúng với nội dung vốn có của nó.
Hành vi sửa chữa ở đây được hiểu theo nghĩa tiêu cực, tức là sửa đúng thành sai với động cơ xấu. Hậu quả của việc sửa chữa là làm sai lệch nội dung giấy tờ đó, làm cho nội dung của giấy tờ đó không đúng với thực tế kách quan. Giấy tờ bị sửa chữa chủ yếu là các loại văn bản do cơ quan, tổ chức ban hành có liên quan đến quyền và lợi ích của cá nhân, tập thể, cơ quan, tổ chức mà người phạm tội quan tâm.
Sửa chữa, làm sai lệch nội dung tài liệu là hành vi thêm, bớt hoặc bằng thủ đoạn khác làm cho nội dung của tài liệu đó không đúng với nội dung vốn có của nó, sửa đúng thành sai như đối với việc sửa chữa giấy tờ. Các tài liệu ở đây có thể là: Tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, tài liệu để viết luận văn tốt nghiệp... tồn tại dưới dạng giấy tờ hoặc file ghi âm, ghi hình…
Làm giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm ra các giấy tờ có nội dung không đúng với thực tế khách quan. Nói cách khác, đây là các giấy tờ không có thật, không do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Cấp giấy tờ giả là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để cấp giấy tờ cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân mà người phạm tội biết chắc đó là giấy tờ giả. Hành vi cấp giấy tờ giả cho người khác có thể bao gồm cả hành vi làm giấy tờ giả rồi cấp giấy tờ đó cho người mà mình quan tâm. Thông thường thì người làm ra giấy tờ giả cũng là người cấp giấy tờ giả đó.
Giả mạo chữ ký là hành vi của người của người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giả mạo chữ ký của người khác (người này cũng là người có chức vụ, quyền hạn).
Tội giả mạo trong công tác bị xử lý thế nào?
Mức phạt Tội giả mạo trong công tác hiện nay được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, phạt tù từ 01 - 05 năm với người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Phạt tù từ 03 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 - 05 giấy tờ giả.
Phạt tù từ 07 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 - 10 giấy tờ giả; để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng. Phạt tù từ 12 - 20 năm nếu làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra, với hình phạt bổ sung, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng.