Thứ hai, 14/07/2025 17:08 (GMT+7)

Hành trình trở lại chiến trường xưa – Khắc ghi máu lửa để tiếp lửa tương lai

“Uống nước nhớ nguồn” là căn cốt tinh thần làm nên một dân tộc biết đứng dậy sau mọi đau thương. Trong hành trình phát triển, một quốc gia không được phép quên những người đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng.

Với ý nghĩa ấy, những ngày tháng Bảy – tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ – luôn là khoảng lặng trang nghiêm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Năm nay, Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam đã tổ chức một chương trình đặc biệt mang tên “Hành trình trở lại chiến trường xưa”, như một lời tưởng nhớ, như một cam kết tiếp nối của những con người từng sống, chiến đấu, hy sinh và nay tiếp tục dựng xây đất nước bằng khối óc và đôi tay của chính mình.

Về với máu xương, về với linh hồn dân tộc

Dưới sự dẫn dắt của Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Thương binh 1/4 , Trần Hồng Quảng, Chủ tịch Hiệp hội, cùng Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Văn Quỳnh, đoàn đã vượt hàng ngàn cây số để đến với những “địa chỉ đỏ”: Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Ngã ba Đồng Lộc – nơi từng ngập chìm trong bom đạn, nay trập trùng hương khói và ký ức.

Tại mỗi điểm dừng chân, trong tiếng chuông trầm mặc, các đại biểu đã nghiêng mình trước anh linh của những người con đất Việt. Những nén nhang thơm thắp lên không chỉ để tưởng niệm, mà còn để tiếp lửa – cho lòng yêu nước, cho lý tưởng sống cao đẹp vẫn tiếp tục lan tỏa giữa cuộc đời hôm nay.

Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, Tạp chí Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam đã đến dâng hương tại phần mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại, biểu tượng bất tử của lòng trung nghĩa, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thế kỷ XX.

Tri ân không chỉ là ký ức – đó là hành động có trách nhiệm với hiện tại và tương lai

Trong lời phát biểu đầy xúc động, Anh hùng Lao động Trần Hồng Quảng chia sẻ: “Trở lại nơi xưa, chúng tôi không chỉ ôn lại ký ức đồng đội, mà muốn gửi đi một thông điệp – rằng thương binh, người khuyết tật không chỉ là nạn nhân của chiến tranh, mà còn là chủ thể tích cực của thời đại. Chúng tôi sống để làm việc, để cống hiến, để giáo dục thế hệ trẻ rằng lòng yêu nước không bao giờ lùi bước.”

tm-img-alt
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Hồng Quảng, Chủ tịch Hiệp hội (bên phải) và Doanh nhân Nguyễn Văn Quỳnh, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội (bên trái), dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: Trần Vũ.

Từ hành trình tri ân ấy, một thông điệp lớn hơn được gửi gắm: sự hy sinh của cha ông chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi thế hệ hôm nay sống tử tế, làm việc trung thực và biết bảo vệ nền độc lập bằng tri thức, bằng đạo đức và bằng thượng tôn pháp luật.

Từ chiến trường xưa – thắp lên ngọn lửa nhân văn trong lòng hiện tại

Không chỉ là một chuyến đi tri ân, hành trình trở lại chiến trường xưa còn là một lời thức tỉnh – với chính những người cầm bút và dẫn dắt dư luận hôm nay. Giữa không gian thấm đẫm ký ức và hy sinh, những người làm báo – những người “giữ lửa nhân văn” – đã không chỉ ghi nhận bằng ống kính và con chữ, mà còn bằng trái tim.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Quyết, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Hòa Nhập, chia sẻ sau khi dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9: “Chỉ khi đứng trước những nấm mộ không tên, những bức ảnh cười mãi ở tuổi mười tám, tôi mới thực sự hiểu: hòa bình là một món quà có giá bằng máu. Là người làm báo, tôi thấy mình có nghĩa vụ không chỉ đưa tin, mà thổi hồn vào sự thật – để thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng từng giây phút được sống, học tập và mơ ước trong độc lập.”

tm-img-alt
Ông Nguyễn Ngọc Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và Thương  người khuyết tật - Tổng Biên tập Tạp chí Hoà Nhập. Ảnh: Trần Vũ

Không chỉ dừng lại ở xúc cảm, những nhà báo còn nhìn thấy trong ký ức ấy một lời nhắc về vai trò của luật pháp và giáo dục công dân.

Nhà báo Nguyễn Thành Đoàn, Tổng Biên tập Tạp chí Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam, cũng cho rằng: “Không thể có một xã hội công bằng nếu quên đi người đã hy sinh vì công bằng ấy. Pháp luật không chỉ để răn đe, mà là để bảo vệ phẩm giá – đặc biệt là phẩm giá của những con người đã đánh đổi tuổi xuân, sức khỏe, thậm chí là thân thể để đất nước được tự do. Chúng ta phải dạy luật bắt đầu từ tinh thần 'uống nước nhớ nguồn', chứ không chỉ từ quy định và chế tài.”

tm-img-alt
Ông Nguyễn Thành Đoàn - Tổng Biên tập Tạp chí Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam dâng hương tại các phần mộ. Ảnh: Trần Vũ.

Và giữa những nhà báo, học giả, doanh nhân trong đoàn, vẫn có những người lính cũ – thương binh hôm nay, mang trong mình những ký ức không thể nào quên. Ông Nguyễn Văn Quỳnh, thương binh, doanh nhân, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội, xúc động chia sẻ: “Chúng tôi không cần ai thương hại. Chúng tôi cần được nhớ đến đúng với giá trị mình đã hy sinh. Mỗi vết thương của tôi là một tấm bản đồ chỉ đường cho thế hệ sau: rằng độc lập không rơi xuống từ trên trời. Nếu tôi có thể đứng dậy, khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật khác, thì đó chính là cách tôi tiếp tục chiến đấu – bằng hòa bình.”

Giữa dòng chảy của thời đại số, những lời chia sẻ ấy không chỉ là sự ngẫm ngợi của hai người làm báo và một người lính, mà còn là tiếng nói nhắc nhở của lương tri – rằng công cuộc gìn giữ hòa bình hôm nay không thể thiếu những người biết thắp sáng ký ức bằng hành động, và biến cảm xúc thành cam kết trách nhiệm.

Từđạo lý thành pháp lý

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và thể chế hóa đạo lý tri ân người có công bằng hệ thống chính sách pháp luật ngày càng toàn diện. Một số chính sách nổi bật gồm:

- Luật Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi năm 2022) quy định cụ thể 12 nhóm đối tượng người có công, mở rộng quyền lợi, nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi và cải tiến thủ tục công nhận.

- Luật Người khuyết tật năm 2010, và sắp tới là Luật Người khuyết tật (sửa đổi), tiếp tục mở rộng chính sách phục hồi chức năng, giáo dục hòa nhập, hỗ trợ sinh kế và bảo đảm tiếp cận công trình, dịch vụ công cộng.

- Chương trình quốc gia về phục hồi chức năng và hỗ trợ tái hòa nhập cho người có công, giai đoạn 2021–2030.

- Chính sách ưu đãi vay vốn, hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo nghề cho thương binh, con em liệt sĩ và người khuyết tật theo các Nghị định liên quan của Chính phủ.

- Bảo hiểm y tế 100%, chính sách nhà ở xã hội, miễn giảm học phí – lệ phí, và các chương trình hỗ trợ pháp lý dành riêng cho người có công và gia đình.

Đây không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là cam kết đạo lý, pháp lý và chính trị của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – nơi không ai bị lãng quên, không ai bị bỏ lại phía sau.

Khơi nguồn tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ

“Hành trình trở lại chiến trường xưa” đã làm sống dậy một phần linh hồn dân tộc, đồng thời thắp lên khát vọng đổi thay của những con người từng bị thương trong chiến tranh, nhưng không chịu đầu hàng số phận. Họ là những minh chứng sống cho tinh thần “tàn nhưng không phế”, là tấm gương sáng ngời của nghị lực, trách nhiệm và lòng yêu nước.

Và mỗi bước chân của họ hôm nay – từ Trường Sơn đến Đồng Lộc, từ Thành cổ đến Vũng Chùa – đều là lời nhắn nhủ âm thầm nhưng mạnh mẽ tới thế hệ trẻ: Hãy sống xứng đáng. Hãy đừng quên. Hãy tiếp tục hành trình của cha anh bằng sự tử tế, trung thực và tinh thần cách mạng trong thời đại mới.

Cùng chuyên mục

Tin mới