Huyền thoại cuộc đời xạ thủ bắn tỉa số một thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Nhắc đến chiến trường Quảng trị thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân một số vùng lưu truyền câu cửa miệng ca ngợi hai người chiến sĩ gan dạ, dũng cảm: “Nhất Kỳ, nhì Hai”.
“Nhất Kỳ” là ông Nguyễn Xuân Kỳ, người được giặc Mỹ gọi là “Hùm xám. Nói đến thiện xạ Trương Đức Hai, người ta vừa thán phục cái tài hạ giặc trong những chiến dịch thời chống Mỹ vừa động lòng khi nghe câu chuyện về cuộc đời sóng gió của ông.
Anh hùng nơi đất lửa chiến trường chống Mỹ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở đất lửa Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tuổi thơ gắn liền với mùi súng đạn của chiến tranh, ngay từ khi còn ông đã nung nấu ý chí tỉnh thần ra trận đánh Mỹ với quyết tâm bảo vệ quê nhà.
Đến năm 14 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa đang lo học, lo chơi, thì ông Trương Đức Hai đã lén nộp đơn xin gia nhập bộ đội. Vì chưa đủ tuổi, chính quyền không chấp thuận đơn. Hai năm sau, ông tiếp tục xin gia nhập vào đội quân lực lượng vũ trang của địa phương và trở thành chiến sĩ du kích nhỏ tuổi nhất ngay trong lòng địch. Bản tính tài trí lanh lợi, tiếp thu nhanh những kiến thức về sử dụng súng chiến đấu do bộ đội truyền dạy, chẳng bao lâu ông đã trở nên thuần thục tất cả các thao tác tháo lắp súng khiến ai nấy đều ngạc nhiên khen ngợi.
Tròn 19 tuổi, anh thanh niên du kích Trương Đức Hai đã thành trung đội trưởng, nhanh chóng được bổ nhiệm chức xã đội trưởng. Lúc này, ông được giao trọng trách vô cùng nặng nề, chỉ huy các cánh quân du kích chặn đứng hướng tấn công của địch từ phía biển lên. Trên cương vị lãnh đạo trẻ, giữ vững quyết tâm “thà hy sinh chứ không lùi bước”, ông cùng đội du kích xã Trung Hải hồi đó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cầm chân địch, chờ bộ đội chủ lực đến tiếp ứng.
Chiến trường Gio Linh vào thời điểm những năm 1966 - 1972 được đánh giá là một trong những mặt trận ác liệt bậc nhất của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây trở thành tuyến lửa với những cuộc đối đầu khốc liệt giữa hai bên chiến tuyến. Bên ta và bên địch giành giật nhau từng tấc đất, lũy tre. Phía địch ra sức phá hủy, ném bom, bắn phá làng mạc của ta. Quân địch còn dùng nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc giết bóc người dân địa phương. Thậm chí, chúng thiết lập tuyến hàng rào điện tử Mắc-namara (một hệ thống phòng thủ công nghệ cao do Mỹ xây dựng) hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.
Trước tình hình giao tranh phức tạp, ông được huyện Gio Linh cũ ngày đó điều vào tăng cường cho xã Gio Mỹ (nay là xã Gio Linh), sát cánh cùng bộ đội bao vây bắn tỉa địch ở cứ điểm 31, kìm chân không cho giặc càn quét bắn phá, đồng thời mở đường cho quân ta đánh sâu vào cảng Cửa Việt. Trận đánh đó, anh cùng đồng đội phải ăn lương khô, uống nước lã cầm hơi để tiêu diệt các tiểu đội địch đi tuần tra. Dù vậy, với tinh thần chiến đấu giữ đất, giữ làng, trong 5 ngày nằm vùng, ông Trương Đức Hai đã diệt hơn 70 tên địch, trong đó có 3 lính đánh thuê và 4 lính Mỹ. Điều đáng nói, qua trận chiến ông thể hiện mình là một tay súng vào hạng thượng thừa của lực lượng vũ trang địa phương. Dù bắn ở cự li xa 350m, khi khai hỏa, ông đã bắn chết tên chỉ điểm ngay tại chỗ chỉ trong nháy mắt.

Ông Trương Đức Hai (ngoài cùng bên trái) khống chế 2 kẻ địch (Ảnh tư liệu)
Nhờ tài bắn tỉa lợi hại kết hợp với cách đánh du kích, tiểu đội dân quân địa phương của ông đã khiến quân giặc kinh hồn, bạt vía không dám manh động đi càn, đốt phá làng mạc. Chiến dịch bắn tỉa thắng lợi, ông Hai tiếp tục lên đường nhận những nhiệm vụ mới. Mưu trí, dũng cảm, ông thường xuyên bám địa bàn, bám dân, xây dựng được nhiều cơ sở cách mạng tại nhiều xã của huyện Gio Linh cũ ngày đó như Gio Lễ, Gio Sơn....Có những lần, ông cải trang thành sĩ quan lính thủy đánh bộ, lính cộng hòa đột nhập vào sâu bên trong sào huyệt của địch để trừ khử những tên cầm đầu sừng sỏ.
Nhiệm vụ càng khó bao nhiêu, nhưng ông chẳng hề nản lòng. Ngược lại, bất kể nhiệm vụ nào được giao phó, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc. Không ít lần nhận nhiệm vụ xong, ông biết chắc chắn một điều là “một đi không trở lại” nhưng khí tiết của một người lính cách mạng không cho phép chùn chân, phải tiến về phía trước. Chính vì thế, các đồng chí, đồng đội ở huyện Gio Lính cũ ngày đó đánh giá rất cao tinh thần và chất lính Cụ Hồ của xạ thủ số một thành Quảng Trị: “Nơi nào gian khổ, ác liệt là nơi đó có mặt Trương Đức Hai”.
Cuộc đời người lính sau chiến tuyến
Cuộc đời của xạ thủ số một trên chiến trường oanh liệt, hào hùng là thế, nhưng trong cuộc sống đời thường ông lại lận đận vô cùng, khiến những ai chứng kiến không khỏi động lòng thương cảm. Chiến tranh đã cướp đi của ông biết bao người thân, bạn bè và đồng chí, đồng đội. Ngay cả người mẹ hiền tảo tần nuôi dưỡng ông trở thành một tay súng tài giỏi nơi chiến tuyến cũng bị pháo đạn của giặc giết chết. Nỗi đau của chiến tranh như vết cắt khứa sâu trong ký ức của người lính Trương Đức Hai ấy, thời gian trôi đi không thể nào nguôi ngoai cho hết.
Hòa bình lập lại, với tính cách bình dị, chân chất của một người lính, ông Hai chọn cách chôn vùi những mất mát của chiến tranh và sống hết mình cho thực tại. Ông không màng đến danh lợi, lặng lẽ sống bình dị với vợ và bốn người con, niềm hạnh phúc may mắn mà phần đời về sau ông có được.

Ông Trương Đức Hai (thứ 2 bên phải) trong cuộc gặp gỡ nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (nhân vật cung cấp)
Tưởng chừng như chiến tranh đã là thời gian bị thương nhất của cuộc đời khi ông Hai chứng kiến cảnh người thân lần lượt ra đi trước mắt mình vì bom đạn. Nhưng cuộc sống khốn khó, mất mát, đau thương vẫn chưa buông tha người lính năm nào. Vợ mắc bệnh nan y khi đứa con út đang bi bô tập nói, một mình ông cáng đáng hết thảy mọi việc trong gia đình nhỏ.
Sau 13 năm mắc bệnh nan y, vợ ông đã vĩnh viễn ra đi, để lại cho ông 4 người con thơ. Một mình với cảnh gà trống nuôi con, dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông xin nghỉ việc sớm để lo cho các con ăn học. Để tìm lối ra, ông đã mạnh dạn vay mượn vốn của bạn bè, thành lập công ty xây dựng. Ông bảo rằng, việc lập công ty cũng nhằm mục đích để bản thân mình tự vươn lên trước mọi khó khăn, có điều kiện giúp đỡ bạn bè, chứ tuổi cũng đã cao, người mang đầy thương tật, vốn liếng không có nên không làm lớn được.
Ghi nhận những đóng góp của ông đối với cách mạng, Đảng và Nhà nước đã quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho ông Trương Đức Hai. Đây là danh hiệu cao quý, song ông vẫn thường tâm niệm rằng, để có được danh hiệu như hôm nay, trước hết là nhờ sự đùm bọc cưu mang của bà con, sự hy sinh to lớn của đồng chí, đồng đội, của những người đã ngã xuống vì sự bình yên của Tổ quốc.
Không chỉ viết nên huyền thoại về một người anh hùng thời đạn lửa, ông Trương Đức Hai còn viết nên huyền thoại về cuộc đời một người lính sau chiến tuyến. Ông chính là tượng đài sống mang phong thái của anh “Bộ đội Cụ Hồ” cứu nước, cứu đời. Ông biết quý trọng và gìn giữ những điều cuộc sống mang lại cho mình. Cho đến tận bây giờ, tinh thần đồng đội trong những năm bom đạn chiến tranh vẫn được ông gìn giữ một cách thiêng liêng.
Với những thành tích và chiến công đã đạt được trong chiến đấu, những đóng góp cho thời bình, ông Trương Đức Hai đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng: 6 danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ ưu tú” và hàng chục huân, huy chương các loại cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Năm 2013, ông được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tuy nhiên, đối với người lính bình dị này, có lẽ phần thưởng quý giá mà ông mong muốn nhất vẫn là sự tin yêu và niềm cảm thông của mọi người dành cho mình.