Thứ tư, 02/07/2025 14:38 (GMT+7)

Vấn đề pháp lý quảng cáo dịch vụ thẩm mỹ viện 'liên kết' bệnh viện tư nhân

Thẩm mỹ viện liên kết với bệnh viện tư nhân để phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng nhiều. Liệu đây là giải pháp bảo đảm an toàn? Những vấn đề pháp lý nào vẫn cần xem xét liên quan đến hoạt động này?

Thẩm mỹ viện và các cơ sở làm đẹp đã phát triển với số lượng rất lớn trong những năm qua theo nhu cầu của xã hội. Những lợi ích và tác động tích cực của hoạt động thẩm mỹ là điều không thể phủ nhận đối với cả nam lẫn nữ trong thời đại xã hội phát triển ngày càng văn minh, mở cửa.

Bên cạnh sự tích cực đó, vẫn còn không ít hạn chế trong mô hình hoạt động cũng các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực này. Một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là hình thức thẩm mỹ viện liên kết với bệnh viện. Hiện nay, tình trạng liên kết giữa thẩm mỹ viện và bệnh viện đang diễn ra rất nhiều. Pháp luật không cấm hình thức liên kết này. Tuy nhiên việc liên kết có bị biến tướng và đúng nội dung, phạm vi hay không, vẫn là điều mà bài toán đặt ra với cơ quan quản lý.

Sau khi nhiều vụ việc thẩm mỹ viện phẫu thuật "chui" gây ra hậu quả nhiêm trọng với khách hàng, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã chuyển sang “liên kết” với bệnh viện tư nhân để đảm bảo tính pháp lý. Nhưng trên thực tế, ê-kíp phẫu thuật thẩm mỹ là người của bệnh viện hay của cơ sở thẩm mỹ, có thuộc biên chế của bệnh viện hay không? Đó là điều mà chính khách hàng khó có thể xác định được và liệu cơ quan quản lý có biết hay không, quản lý thế nào?

tm-img-alt
Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hà Thành là một trong những cơ sở y tế được giới thiệu là có “liên kết” với cơ sở thẩm mỹ

Nhiều cơ sở thẩm mỹ 'liên kết' với bệnh viện tư nhân

Lướt qua trên các website và mạng xã hội, chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều lời quảng cáo về các thẩm mỹ viện với các dịch vụ xâm lấn (không được phép thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ). Tuy nhiên các dịch vụ này được liên kết với bệnh viện để thực hiện.

Trên một số website và trang mạng xã hội... giới thiệu về một viện thẩm mỹ, đăng tải nội dung quảng cáo và tư vấn nhiều dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ như nâng ngực, căng da mặt, hút mỡ,... và dưới mỗi bài viết đều niêm yết 3 cơ sở, trong đó có hai cơ sở tại Hà Nội và một cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh. Cơ sở số một ở số 314 phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội; cơ sở số hai tại Lô 10 Khu liền kề Dự án Premier, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội và cơ sở số ba ở 552 Trần Hưng Đạo, phường 2, quận 5 thành phố Hồ Chí Minh.

Các dịch vụ được giới thiệu sẽ thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hà Thành (57-63 Vũ Thạnh, Đống Đa, Hà Nội), nhưng do các bác sĩ của viện thẩm mỹ này trực tiếp thực hiện. Lý do là phòng mổ của viện thẩm mỹ chưa có phương tiện gây mê nên phải "thuê" phòng mổ của Bệnh viện Hà Thành để thực hiện các ca phẫu thuật cho khách hàng.

tm-img-alt
Ba địa chỉ được niêm yết dưới mỗi bài đăng quảng cáo nâng ngực tại trang fanpage.

Theo giới thiệu, dịch vụ nâng ngực có giá 65 triệu đồng, nếu giảm giá là 49,5 triệu đồng với túi ngực hãng Motiva. Dịch vụ hút mỡ bụng có giá khoảng 35 triệu đồng, còn hút mỡ toàn thân dao động từ 70 triệu đồng trở lên.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội xác nhận: “Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ này có hợp đồng hợp tác với Bệnh viện Hà Thành để gửi khách đến thực hiện các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ngoài danh mục kỹ thuật được cấp phép”. Cán bộ Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết các dịch vụ quảng cáo như nâng ngực, căng da mặt, hút mỡ... của cơ sở này đều không nằm trong danh mục đã được Sở Y tế phê duyệt. Theo cán bộ này, cơ sở nói trên đã từng bị xử phạt 45 triệu đồng.

Tuy vậy, hiện nay các thẩm mỹ viện vẫn đăng tải thông tin quảng cáo không đúng chức năng, chuyên môn mà không thấy có sự ngăn chặn hiệu quả.

Một trường hợp khác về hoạt động liên kết phẫu thuật thẩm mỹ được quảng cáo là về cơ sở Anh Tuấn. Trên website dranhtuan. và các fanpage có hàng nghìn lượt theo dõi như: “ThS.BS Trần Anh Tuấn - BV Hà Thành”, “Dr Anh Tuấn - Phẫu thuật thẩm mỹ”, “Dr Anh Tuấn - Tạo hình Body Jet Sline”, “Thẩm mỹ vòng 3 – Dr Anh Tuấn”, “Dr Anh Tuấn – Nâng ngực an toàn”,… xuất hiện dày đặc các quảng cáo về dịch vụ thẩm mỹ như: nâng ngực, nâng mông, hút mỡ, bơm mỡ, nâng mũi, tạo hình thành bụng, căng da bụng… 

tm-img-alt
Fanpage “Dr Anh Tuấn - Tạo hình Body Jet Sline” quảng cáo dịch vụ hút mỡ, tạo hình thành bụng và đều ghi địa chỉ Bệnh viện Hà Thành ở cuối mỗi bài viết

Khi khách hàng đến liên hệ, các dịch vụ thẩm mỹ nêu trên đều được nhân viên giới thiệu là sẽ thực hiện ngay tại Bệnh viện Hà Thành, do chính bác sĩ Anh Tuấn đảm nhận. Các trang này cũng giới thiệu bác sĩ Anh Tuấn hiện đang công tác tại Bệnh viện Hà Thành.

Qua thông tin quảng cáo, đây là Công ty TNHH Thẩm mỹ Dr Anh Tuấn, số 12 Vũ Thạnh . Doanh nghiệp này thường xuyên quảng cáo và tư vấn các dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn nêu trên. Dịch vụ nâng ngực giá từ 36 đến 78 triệu đồng tùy loại túi ngực. Hút mỡ bụng có giá 36 triệu đồng, được tặng kèm cấy mỡ mông. 

Với sự dày đặc thông tin quảng cáo trên mạng về dịch vụ thẩm mỹ, khách hàng rất khó để xác định được dịch vụ nào của bệnh viện hay của thẩm mỹ viện. Những dịch vụ đó liệu có được thực hiện tại bệnh viện và theo đúng quy trình hay không, hiện cũng khó xác định. Đôi khi việc tiếp cận với bệnh viện để đề nghị cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu đánh giá các vấn đề pháp lý cũng rất khó khăn đối với Tạp chí. Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ Bệnh viện Hà Thành nhưng không có phản hồi.

Trên thực tế, hoạt động liên kết của thẩm mỹ viện và bệnh viện cũng từng xảy ra rủi ro.

Vào tháng 3/2022, tại Bệnh viện 1A (quận Tân Bình, TP.HCM), một nữ bệnh 33 tuổi, quê Đồng Tháp tử vong sau ca phẫu thuật nâng ngực. Đáng nói, ca phẫu thuật này không do bác sĩ của bệnh viện đảm trách, mà là một bác sĩ “liên kết”, không thuộc biên chế chính thức. Thậm chí, gia đình bệnh nhân xác nhận họ phải chuyển tiền viện phí vào tài khoản riêng của bác sĩ, thay vì thanh toán qua bệnh viện.

Người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật là bác sĩ Nguyễn Văn Thiết. Ngoài việc “liên kết” với Bệnh viện 1A, vị bác sĩ này còn “liên kết” với một đơn vị thẩm mỹ khác tại TP.HCM. Vụ việc cho thấy những rủi ro tiềm ẩn trong hợp đồng “liên kết” phẫu thuật thẩm mỹ.

Cách đây không lâu, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản chấn chỉnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến phạm vi phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp. Trong đó, Cục cũng yêu cầu chấn chỉnh vấn đề quảng cáo về các dịch vụ này.

Trước đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được phản ánh liên quan đến tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và pháp luật về quảng cáo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật, tạo hình, thẩm mỹ, nhất là tại các cơ sở làm đẹp.

Các cơ sở thực hiện các dịch vụ kỹ thuật vượt quá phạm vi cho phép, quảng cáo không đúng quy định gây hiểu nhầm đối với người dân dẫn đến nhiều tai biến, biến chứng xảy ra. Có cơ sở làm đẹp cố ý đặt tên giống với tên của cơ sở đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng khác về địa điểm kinh doanh. Có hiện tượng mạo danh bác sĩ, mạo danh bệnh viện để lừa đảo người dân, các đối tượng giả mạo thường xuyên tạo ra các fanpage lấy tên bác sĩ bệnh viện để quảng cáo, gây nhầm lẫn cho người đến khám và điều trị.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị sở y tế các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và quảng cáo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động phẫu thuật, tạo hình thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp; xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ sở hoạt động không đúng phạm vi, vượt quá phạm vi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, quảng cáo các nội dung liên quan không đúng quy định của pháp luật. Phối hợp với các đơn vị chức năng, cơ quan công an tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các cơ sở làm đẹp thực hiện các hoạt động, dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh nhưng không được cho phép, quảng cáo không đúng theo quy định…

Việc kiểm soát chặt chẽ điều kiện hành nghề, năng lực chuyên môn, kể cả hoạt động tư vấn, quảng cáo sẽ bảo đảm an toàn cho khách hàng, người bệnh, đồng thời góp phần xây dựng một hệ thống y tế phát triển lành mạnh, bền vững.

Điểm đ khoản 1 Điều 18a Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi năm 2025):

“đ) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng: đê điều; khám bệnh, chữa bệnh; mỹ phẩm; dược, trang thiết bị y tế; chăn nuôi; phân bón; quảng cáo; đặt cược và trò chơi có thưởng; quản lý lao động ngoài nước; giao thông hàng hải; hoạt động hàng không dân dụng; quản lý và bảo vệ công trình giao thông; công nghệ thông tin; viễn thông; tần số vô tuyến điện; an ninh mạng; an toàn thông tin mạng; dữ liệu; công nghiệp công nghệ số; xuất bản; in; thương mại; hải quan, thủ tục thuế; kinh doanh xổ số; kinh doanh bảo hiểm; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý vật liệu nổ; điện lực;”;

Khoản 5, Điều 34 của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo: Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo và Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại khoản 5 Điều này.

Cùng chuyên mục

Vì sao hàng giả vẫn len lỏi vào trường học, bệnh viện?
Tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đại biểu Tô Văn Tám, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, bày tỏ lo ngại về tình trạng hàng giả, hàng nhái và các hành vi gian lận thương mại vẫn diễn ra phổ biến.

Tin mới