Sử dụng ma túy tập thể: Hiểu pháp luật để không 'lạc đường'
Việc sử dụng ma túy trong nhóm, theo trào lưu hay vì “kết nối bạn bè”, đang trở thành mối nguy hại âm thầm trong đời sống giới trẻ.
Ma túy tập thể - Trò chơi chết người mang tên “chia sẻ”
Không còn là hình ảnh của những người nghiện đơn độc trong bóng tối, ma túy ngày nay đã “lên đời” với vỏ bọc của những cuộc vui, những buổi tiệc rộn ràng âm nhạc, ánh sáng. Giới trẻ gọi đó là "bay", "quẩy", là "thử một lần cho biết" - một cách ngụy biện nguy hiểm để cùng nhau dấn thân vào vòng xoáy tăm tối.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng,... lực lượng chức năng liên tục phát hiện các vụ sử dụng ma túy tập thể trong quán bar, karaoke, căn hộ chung cư cao cấp. Các chất như ketamine, thuốc lắc, cần sa tổng hợp… xuất hiện ngày càng nhiều dưới hình dạng bắt mắt, mùi vị thơm dịu, khiến người dùng, nhất là giới trẻ mất cảnh giác.
Tệ hại hơn, nhiều đối tượng còn quay clip, phát trực tiếp khoảnh khắc “phê thuốc” trên mạng xã hội như một cách thể hiện “đẳng cấp ăn chơi”, cổ xúy cho lối sống lệch chuẩn.
Ảo giác phút chốc – đánh mất tương lai
Khác với hình ảnh “con nghiện” vật vã của quá khứ, người sử dụng ma túy tập thể thường vẫn giữ được vẻ ngoài bóng bẩy, trí thức. Nhưng sau mỗi phút “phê”, là chuỗi ngày suy sụp, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, mất kiểm soát hành vi và nguy cơ lệ thuộc cao độ.
Không ít bạn trẻ sau vài lần thử đã trở nên hoang tưởng, mất ngủ triền miên, thậm chí gây ra hành vi bạo lực với người thân, bạn bè. Tệ hơn, một số vụ án giết người, cướp tài sản man rợ đã được chứng minh có nguyên nhân trực tiếp từ việc lạm dụng ma túy tổng hợp.
Gia đình của người sử dụng ma túy cũng rơi vào khủng hoảng. Nhiều bậc phụ huynh không nhận ra dấu hiệu sớm, để rồi đánh mất con cái vào một thế giới mà niềm vui chỉ tồn tại trong ảo giác.
Pháp luật không khoan nhượng với ma túy
Gần đây, ngày 8/7, tại Hải Phòng, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy phối hợp với công an xã Kiến Minh (Hải Phòng) đã bắt tạm giam một Tiktoker nổi tiếng khi đang sử dụng ma túy cùng hai người khác.

Cụ thể, khoàng 14h, Phòng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy phối hợp với công an xã Kiến Minh bắt quả tang Nguyễn Thành Long (với biệt danh Tiến "Bịp''), 37 tuổi, ở thôn Quế Lâm, xã Kiến Thụy, cùng Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Đạo đang sử dụng ma túy ở nhà Tuấn tại thôn Đại Trà Hồng, xã Kiến Minh.
Long hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Titok với cái tên Tiến "Bịp''. Người này thường quay clip bày tỏ quan điểm 'giang hồ mạng'' và có nhiều phát ngôn giảng đạo lý.
Pháp luật Việt Nam quy định rất nghiêm khắc với các hành vi liên quan đến ma túy, đặc biệt là sử dụng, tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép:
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
- Điều 249: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy, có thể bị phạt tù đến 20 năm hoặc chung thân tùy theo khối lượng.
- Điều 250: Tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
- Điều 255 - 256: Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, khung hình phạt từ 2 năm, chung thân - nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021:
- Quy định rõ việc quản lý người sử dụng ma túy, áp dụng các biện pháp cai nghiện, theo dõi y tế và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
- Trách nhiệm của gia đình, nhà trường, địa phương trong việc ngăn ngừa từ sớm.
Nghị định 116/2021/NĐ-CP:
- Quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thời gian áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít vụ việc chỉ dừng lại ở “nhắc nhở, phạt hành chính”, thiếu sự theo dõi dài hạn. Nhiều người tái nghiện hoặc kéo theo bạn bè cùng sa ngã, khiến công tác phòng chống bị kéo dài và phức tạp.
Giáo giục bằng tình người
Để ngăn chặn tình trạng sử dụng ma túy tập thể, xã hội cần hành động từ gốc rễ - giáo dục và phòng ngừa:
1. Giáo dục phòng, chống ma túy từ nhà trường:
- Đưa nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào chương trình học chính khóa và ngoại khóa.
- Tổ chức đối thoại với người từng cai nghiện thành công để truyền động lực cho học sinh.
2. Tăng cường vai trò của gia đình:
- Cha mẹ cần quan tâm đến đời sống tâm lý của con, kịp thời nhận diện dấu hiệu bất thường.
- Trò chuyện thẳng thắn, cởi mở để con không bị cô lập hoặc giấu giếm.
3. Ứng dụng công nghệ để giám sát và can thiệp:
- Xây dựng hệ thống phản hồi học sinh, sinh viên có nguy cơ cao.
- Lập đường dây nóng và tư vấn tâm lý miễn phí cho thanh thiếu niên.
4. Siết chặt quản lý các địa điểm giải trí:
- Tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở có nguy cơ tụ điểm sử dụng ma túy.
- Rút giấy phép hoạt động nếu phát hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy.
5. Coi trọng tái hòa nhập cộng đồng:
- Tạo cơ hội học nghề, việc làm cho người cai nghiện thành công.
- Xây dựng cộng đồng “không kỳ thị” để người cai nghiện không tái phạm vì bị xa lánh.
Ma túy tập thể là một dạng tội ác được ngụy trang trong ánh đèn, âm nhạc và tiếng cười giả tạo. Nó không chỉ đánh cắp sức khỏe, nhân cách và tương lai của từng người trẻ, mà còn đẩy xã hội vào một vòng xoáy đầy bất ổn.
Khi tình yêu thương, sự quan tâm và trách nhiệm từ gia đình - nhà trường - xã hội cùng song hành với sức mạnh của pháp luật, chúng ta mới thực sự có thể cứu lấy những tâm hồn đang lạc lối và chặn đứng cơn sóng ngầm mang tên “ma túy tập thể”.