Thứ năm, 22/05/2025 18:51 (GMT+7)

Sắp xếp bộ máy: Lý do giữ thanh tra Công an, Quân đội, Ngân hàng Nhà nước

Việc giữ lại cơ quan thanh tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Ngân hàng Nhà nước được giải thích là phù hợp với đặc thù và mô hình tổ chức ngành dọc của các cơ quan này.

Trưa 22/5, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã đưa ra giải trình về các ý kiến của đại biểu Quốc hội trong buổi thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

tm-img-alt

Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. (Ảnh: Gia Hân)

Theo dự thảo, hệ thống cơ quan thanh tra hiện nay gồm 2 cấp là Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh. Ngoài ra, vẫn duy trì một số cơ quan thanh tra có tính đặc thù, ví dụ như thanh tra trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trước các ý kiến đề nghị làm rõ lý do giữ lại các cơ quan thanh tra của công an, quân đội và Ngân hàng Nhà nước, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, kết luận 134 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư không đề cập việc chấm dứt hoạt động của các cơ quan này.

Bên cạnh đó, dự thảo luật kế thừa các quy định từ Luật Thanh tra năm 2022. Việc giữ lại các cơ quan thanh tra này được cho là phù hợp với đặc thù cũng như mô hình tổ chức ngành dọc của công an, quân đội và Ngân hàng Nhà nước.

Tổng thanh tra cũng nhấn mạnh rằng, theo kết luận 134, đối với các cơ quan không còn thanh tra sẽ thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Dự thảo luật (khoản 1 điều 61) giao cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tổ chức kiểm tra việc tuân thủ chính sách, pháp luật. Đồng thời, để đảm bảo hoàn thiện, dự thảo cũng giao Chính phủ quy định chi tiết hoạt động kiểm tra.

Về vấn đề xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm tra chuyên ngành, đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Tổng thanh tra Chính phủ cho biết, dự thảo luật đã quy định các biện pháp để xử lý tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra và Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, dự luật nêu rõ, khi thanh tra hoặc Kiểm toán Nhà nước thực hiện các hoạt động, nếu phát hiện có sự trùng lặp, chồng chéo, cơ quan thanh tra phải phối hợp với Kiểm toán Nhà nước để xử lý, đảm bảo mỗi nội dung liên quan đến tổ chức, cá nhân chỉ do một cơ quan thực hiện.

Tuy nhiên, vấn đề chồng chéo giữa thanh tra với giám sát và kiểm tra chuyên ngành chưa được đề cập, do sự khác biệt về nội dung, phạm vi, thời gian, trình tự, thủ tục và phương pháp thực hiện.

"Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, trong đó có quy định về việc xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra với hoạt động giám sát, kiểm tra chuyên ngành", tổng thanh tra khẳng định.

Cùng chuyên mục

Tin mới