Thứ bảy, 17/05/2025 21:38 (GMT+7)

Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số

Việc xây dựng tổ hợp báo chí truyền thông được đánh giá là giải pháp nhằm hiện đại hóa, cải thiện hiệu quả quản trị và thúc đẩy sự phát triển của báo chí trong thời đại số hóa.

Tại Hội thảo "Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số" ngày 16/5, các chuyên gia cho rằng việc hình thành mô hình tổ hợp báo chí truyền thông là yêu cầu cấp thiết nhằm đổi mới phương thức quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.

tm-img-alt

TS Lê Hải, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử. Ảnh: Hoàng Phong

Dự thảo Luật Báo chí sửa đổi đã bổ sung những quy định mới về mô hình tổ hợp báo chí truyền thông, trong đó bao gồm hai loại hình chính: tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện và tổ hợp báo chí truyền thông địa phương. Các tổ hợp này có thể bao gồm nhiều cơ quan báo chí trực thuộc, được áp dụng cơ chế tài chính, lao động và tiền lương tương tự doanh nghiệp, đồng thời được phép góp vốn hoặc thành lập doanh nghiệp trực thuộc. Chính phủ sẽ ban hành quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chí, cơ chế tài chính và thẩm quyền thành lập các tổ hợp này.

Tiến sĩ Lê Hải, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử, nhấn mạnh rằng việc hình thành các tổ hợp truyền thông tại Việt Nam là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh phát triển báo chí hiện nay. Ông dẫn chứng ví dụ từ Trung Quốc, nơi báo chí vẫn được coi là đơn vị sự nghiệp nhưng được tổ chức và quản lý theo mô hình doanh nghiệp.

Theo ông Lê Hải, tổ hợp truyền thông sẽ tạo động lực để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường hoạt động báo chí và thúc đẩy chiến lược quy hoạch phát triển báo chí quốc gia. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng phần lớn các cơ quan báo chí tại Việt Nam vẫn duy trì mô hình tổ chức cũ, với phương thức quản trị chưa hiệu quả, điều này không còn phù hợp với yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên số.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group, cho rằng nếu dự luật cho phép báo chí tổ chức theo mô hình tổ hợp thì cũng cần mở quyền cho họ được xây dựng hệ sinh thái truyền thông riêng, có khả năng liên kết và tự do kinh doanh. Theo ông, luật cần tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan báo chí tự chủ và sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật.

Về mặt tổ chức, ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, bày tỏ băn khoăn về tư cách pháp lý của mô hình tổ hợp báo chí truyền thông. Ông cho rằng hiện mô hình này chỉ là tên gọi tổ chức, chưa rõ sẽ hoạt động như một pháp nhân độc lập hay thuộc hệ thống đơn vị sự nghiệp. Ông đề xuất cần tổ chức một hội thảo chuyên sâu để làm rõ các yếu tố pháp lý, tài chính và cơ chế hoạt động của mô hình tổ hợp này, nhằm đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn.

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí, đại diện cơ quan soạn thảo, cho biết việc sửa đổi Luật Báo chí lần này tập trung vào các định hướng lớn như tăng cường quản lý báo chí, nâng cao chất lượng đội ngũ làm báo, thúc đẩy kinh tế báo chí và điều chỉnh hoạt động báo chí trên môi trường số. Ông cho biết, dự thảo luật có 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết, đồng thời phân quyền thêm cho địa phương trong 10 thủ tục hành chính.

Dự thảo cũng đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động báo chí trên môi trường số. Theo đó, các kênh nội dung của cơ quan báo chí trên mạng xã hội và ứng dụng Internet phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý nhà nước và tuân thủ các quy định pháp luật về báo chí, an ninh mạng cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

tm-img-alt

PGS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Văn hóa Thể thao và Du Lịch. Ảnh: Hoàng Phong

Phát biểu tại hội thảo, PGS Lê Hải Bình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, nhấn mạnh rằng việc sửa đổi Luật Báo chí không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn mà còn mang tính kiến tạo, mở ra hành lang pháp lý mới cho sự phát triển của báo chí trong tương lai. "Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, đồng thời bám sát các nghị quyết của Đảng và pháp luật hiện hành để kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình hoàn thiện luật", ông Hải Bình nói.

Dự thảo lần này cũng tập trung vào các vấn đề quan trọng như kinh tế báo chí, chuyển đổi số và đặc biệt là mô hình tổ hợp báo chí truyền thông, được kỳ vọng sẽ tạo nên bước ngoặt lớn trong hành trình phát triển báo chí tại Việt Nam.

Cùng chuyên mục

TP. HCM thử nghiệm mô hình chính quyền hai cấp từ ngày 12/6
Từ ngày 12 đến 30/6, TP HCM sẽ vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời chuyển giao một số nhiệm vụ từ cấp huyện xuống cấp xã để đảm bảo việc vận hành thông suốt khi các văn bản pháp luật có hiệu lực từ 1/7.

Tin mới

Nghệ An có 130 xã, phường sau sắp xếp
Nghệ An sau khi sắp xếp có 119 xã, 11 phường, với xã Thông Thụ rộng nhất 706,75 km² và xã Đức Châu nhỏ nhất 20,97 km². Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16/6.
Người sáng lập và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam
Đến nay, những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý đối với nền báo chí cách mạng nước nhà. Người chỉ rõ: Công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự Nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”...
Ký ức vẹn nguyên sau mỗi chuyến đi
Có người từng hỏi tôi: “Đi nhiều, viết nhiều như thế, thứ gì khiến chị vẫn còn rung động?” Tôi chỉ mỉm cười. Bởi làm sao đong đếm hết những ánh mắt, những nụ cười, những câu chuyện tưởng như rất đỗi bình thường mà lại neo lại sâu trong tim?
Đề xuất giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động khu vực tư nhân xuống 44 giờ/tuần vào năm 2026 và 40 giờ/tuần vào năm 2030. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm ban hành chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.