Thứ tư, 09/04/2025 07:57 (GMT+7)

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ ngạch công chức

Thay vì quản lý và bổ nhiệm công chức theo ngạch như hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất áp dụng hệ thống quản lý theo vị trí việc làm, xếp thứ bậc dựa trên tính chất công việc và khung năng lực.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Theo quy định hiện hành, ngạch công chức là tên gọi thể hiện thứ bậc về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức. Việc bổ nhiệm là quá trình cán bộ, công chức được quyết định giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch cụ thể theo quy định pháp luật.

Tuy nhiên, tại dự thảo dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5, Bộ Nội vụ đề xuất bãi bỏ toàn bộ quy định về ngạch công chức (từ Điều 42 đến Điều 46), thay vào đó áp dụng phương thức quản lý mới dựa trên vị trí việc làm.

Cụ thể, hệ thống vị trí việc làm của công chức sẽ được xếp theo thứ bậc, thể hiện mức độ khác nhau về tính chất công việc và yêu cầu khung năng lực tương ứng. Trên cơ sở này, các cơ quan sẽ thực hiện tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, quản lý công chức và trả lương theo nguyên tắc: "Làm ở vị trí việc làm nào thì hưởng mức lương tương ứng với vị trí đó". Khi công chức thay đổi vị trí việc làm, lương và các chế độ liên quan cũng sẽ thay đổi theo vị trí mới. Nội dung chi tiết sẽ do Chính phủ quy định.

Việc phân loại vị trí việc làm của công chức gồm: Lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ. So với quy định hiện hành, dự luật mới bỏ loại hình "chuyên môn dùng chung". Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ, cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.

Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể ký hợp đồng lao động với những người tài năng, chuyên gia hoặc nhà khoa học để thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.

Đối với cán bộ, nội dung phân loại bao gồm: vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Vị trí việc làm của cán bộ sẽ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định và hướng dẫn.

tm-img-alt
Công chức làm việc tại Trung tâm hành chính công TP. Thủ Đức.

Nguyên tắc, phương pháp, trình tự xác định vị trí việc làm; bản mô tả công việc; khung năng lực; hệ thống vị trí việc làm và trách nhiệm thẩm định, phê duyệt, ban hành các vị trí việc làm sẽ được Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể.

Theo cơ quan soạn thảo, Luật hiện hành quy định nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Tuy nhiên, việc sử dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức hiện nay vẫn chưa hoàn toàn dựa trên vị trí việc làm.

Khái niệm vị trí việc làm trong Luật hiện hành gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức. Điều này dẫn đến việc triển khai mô tả vị trí việc làm bị trùng lặp với tiêu chuẩn ngạch công chức. Các tiêu chuẩn này lại thiếu rõ ràng về yêu cầu kết quả, sản phẩm công việc, gây nhiều vướng mắc trong thực tế, không đáp ứng tốt mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5.

Cùng chuyên mục

Bộ Nội vụ đề xuất quy định sàng lọc công chức
Bộ Nội vụ đề xuất công chức có hai năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc. Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi bổ sung quy định đánh giá công chức, nhằm nâng cao hiệu quả sàng lọc và tăng động lực làm việc.
Báo chí và cuộc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy
Sáng 26/3, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trong buổi làm việc với lãnh đạo 5 cơ quan báo chí chính trị chủ lực nhấn mạnh "tinh thần là tiếp tục rà soát, củng cố để làm tốt hơn nữa công tác sắp xếp bộ máy tổ chức".
Sẽ xóa bỏ nhiều cơ quan thanh tra cấp sở và huyện
Hơn 12 thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục và cục thuộc bộ, cùng 1.001 thanh tra sở, 696 thanh tra huyện sẽ được tái cơ cấu theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Tin mới

Khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa 13
Sáng 10/4, Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII khai mạc tại trụ sở Trung ương Đảng, dự kiến kéo dài ba ngày. Hội nghị tập trung thảo luận sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức bộ máy và công tác chuẩn bị cho Đại hội 14 của Đảng.