Thứ ba, 25/03/2025 08:47 (GMT+7)

Bộ Nội vụ đề xuất dừng mô hình chính quyền đô thị tại 4 thành phố lớn

Bộ Nội vụ đề xuất chấm dứt mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng theo dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Mục tiêu là tinh gọn bộ máy, tăng cường phân cấp, phân quyền giữa các cấp chính quyền.

Bộ Nội vụ hiện đang lấy ý kiến về dự Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XV. Dự luật được xây dựng nhằm triển khai chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, hướng đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sau khi sửa đổi Hiến pháp 2013.

tm-img-alt
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Dự luật đề xuất mô hình chính quyền 2 cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) và cấp cơ sở (xã, phường, đặc khu). Quy định mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-5-2026, mang lại sự thay đổi lớn trong cơ cấu quản lý địa phương.

85% nhiệm vụ chuyển xuống cấp cơ sở, 15% giao cho cấp tỉnh

Theo dự thảo, luật sẽ sửa đổi các quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp tỉnh và cấp cơ sở, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương cũng như giữa chính quyền tỉnh và cơ sở. Trên cơ sở mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cấp được phân định rõ ràng.

Cụ thể, chính quyền cấp tỉnh sẽ tập trung giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược, liên vùng, liên cơ sở, vượt qua khả năng giải quyết của cấp cơ sở. Cấp tỉnh chịu trách nhiệm ban hành cơ chế, chính sách, quy hoạch và quản lý vĩ mô nhằm đảm bảo sự thống nhất trên toàn địa bàn.

Trong khi đó, cấp cơ sở sẽ chịu trách nhiệm thực hiện chính sách từ trung ương và cấp tỉnh, tập trung vào các nhiệm vụ phục vụ người dân, giải quyết vấn đề cộng đồng, cung cấp dịch vụ công thiết yếu, cũng như các nhiệm vụ cần sự tham gia của cộng đồng để phát huy tính chủ động, sáng tạo tại địa phương.

Với mô hình mới, khoảng 85% nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay sẽ được chuyển giao cho cấp cơ sở. Chỉ những công việc vượt quá khả năng của cấp cơ sở mới giao lại cho cấp tỉnh.

Ngoài ra, 15% nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ được chuyển lên cấp tỉnh để giải quyết những vấn đề phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao và vượt quá khả năng của cấp cơ sở.

Phân cấp mạnh mẽ từ cấp huyện về cấp cơ sở

Dự luật đề xuất chuyển đa số nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp huyện hiện nay cho cấp cơ sở. Điều này bao gồm việc giao lại phần lớn nhiệm vụ, quyền hạn của quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã cho chính quyền phường, xã thực hiện.

Nhiệm vụ của cấp cơ sở sẽ bao gồm các công việc hành chính và cung cấp nhu cầu thiết yếu cho người dân với nguyên tắc "ưu tiên cho cấp cơ sở". Nếu cấp cơ sở thực hiện tốt, nhiệm vụ sẽ được phân cấp thêm. Ngược lại, những nhiệm vụ vượt quá khả năng của cấp cơ sở sẽ được cấp tỉnh tiếp nhận.

Một điểm đáng chú ý trong dự luật là đề xuất chấm dứt mô hình chính quyền đô thị hiện nay tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng. Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội được thực hiện theo Luật Thủ đô 2024, tại TP.HCM theo Nghị quyết 131/2020 và Nghị quyết 98/2023, tại Đà Nẵng theo Nghị quyết 136/2024, và tại Hải Phòng theo Nghị quyết 169/2024 của Quốc hội.

Theo đề xuất, từ ngày 01/5/2026, Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM sẽ hết hiệu lực. Đồng thời, các nội dung tại khoản 2, 3 điều 9 và điều 10 của Nghị quyết 98 cũng sẽ được bãi bỏ.

Cấp tỉnh đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp cơ sở

Để thực hiện nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", dự luật nhấn mạnh việc cấp tỉnh cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ, quyền hạn của mình cho cấp cơ sở. Việc này nhằm nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đặc biệt, chính quyền phường sẽ được trao thêm quyền để quản lý, phát triển kinh tế đô thị. Chính quyền tại các đặc khu tự chủ cũng được tăng cường quyền hạn nhằm quản lý vùng hải đảo, ứng phó linh hoạt với các tình huống đột xuất, bảo vệ chủ quyền quốc gia và khai thác tiềm năng kinh tế biển hiệu quả.

Dự luật quy định các nội dung chuyển tiếp nhằm đảm bảo hoạt động của chính quyền địa phương diễn ra liên tục khi chuyển đổi từ mô hình 3 cấp sang 2 cấp. Trong vòng 2 năm kể từ khi luật có hiệu lực (1-7-2025), Chính phủ sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn phân định nhiệm vụ, quyền hạn và điều chỉnh quy định liên quan.

Ngoài ra, quy định thời hạn 15 ngày để các cơ quan chính quyền cấp huyện hoàn tất bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu, tài sản, ngân sách và cơ sở vật chất cho cấp cơ sở hoặc cấp tỉnh có thẩm quyền. Các văn bản của chính quyền cấp huyện cũng sẽ được xử lý theo thẩm quyền sau khi giải thể.

Việc chấm dứt mô hình chính quyền đô thị và chuyển đổi sang mô hình chính quyền 2 cấp được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện để các cấp chính quyền địa phương hoạt động linh hoạt, hiệu quả hơn.

Cùng chuyên mục

Báo chí và cuộc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy
Sáng 26/3, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trong buổi làm việc với lãnh đạo 5 cơ quan báo chí chính trị chủ lực nhấn mạnh "tinh thần là tiếp tục rà soát, củng cố để làm tốt hơn nữa công tác sắp xếp bộ máy tổ chức".
Sẽ xóa bỏ nhiều cơ quan thanh tra cấp sở và huyện
Hơn 12 thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục và cục thuộc bộ, cùng 1.001 thanh tra sở, 696 thanh tra huyện sẽ được tái cơ cấu theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Tin mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, báo cáo các dự án đầu tư công gặp vướng mắc trước 10/4
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 26/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, cập nhật báo cáo các dự án đầu tư công gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia