Công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị cho thôi việc sau 6 tháng theo dõi
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị theo dõi trong 6 tháng. Nếu không cải thiện, người đó có thể bị bố trí công việc thấp hơn hoặc bị chấm dứt hợp đồng.
Bộ Nội vụ hiện đang xây dựng dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, trong đó quy định bốn mức đánh giá đối với công chức, bao gồm: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là quy trình xử lý đối với công chức bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”. Cụ thể, công chức thuộc trường hợp này sẽ được cơ quan quản lý đưa vào diện theo dõi trong thời gian 6 tháng. Nếu sau thời hạn nói trên mà công chức không có sự cải thiện hoặc không đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm hiện tại, người đó sẽ được xem xét điều chuyển sang vị trí có thứ bậc thấp hơn. Trong trường hợp không có vị trí phù hợp để điều chuyển, công chức có thể bị cho thôi việc.
Quy định này là điểm mới so với quy định đang áp dụng hiện nay, theo đó công chức phải bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp mới bị xem xét cho nghỉ việc. Đối với đối tượng là cán bộ quản lý, nếu có hai năm liên tục không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị chuyển sang vị trí công tác khác hoặc không được bổ nhiệm lại vào chức vụ cũ. Còn với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, nếu trong vòng ba năm có hai năm không liên tiếp bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị bố trí sang vị trí có yêu cầu thấp hơn.
Cơ quan xây dựng dự thảo cho biết, đề xuất mới thể hiện rõ sự quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.
Ngoài ra, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi cũng đề xuất phương pháp đánh giá công chức mới với trọng tâm là hiệu quả công việc thực tế. Theo đó, thay vì chỉ đánh giá qua tiêu chí chung như trình độ hay năng lực, việc đánh giá công chức phải căn cứ vào kết quả công việc cụ thể và sản phẩm đầu ra, đồng thời đối chiếu với yêu cầu của vị trí việc làm cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
Kết quả đánh giá này sẽ là căn cứ quan trọng cho các quyết định liên quan đến công chức, bao gồm: bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách đãi ngộ phù hợp với từng vị trí cụ thể.
Về thời gian đánh giá, dự thảo luật đưa ra quy định linh hoạt hơn. Bên cạnh việc đánh giá định kỳ theo năm hoặc trước khi bổ nhiệm, điều động, các cơ quan, đơn vị có thể tiến hành đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần tùy theo tính chất, đặc điểm của công việc.
Nội dung đánh giá cũng được mở rộng và bao quát hơn. Ngoài việc tuân thủ đường lối, chính sách và phẩm chất đạo đức, còn bao gồm thái độ phục vụ nhân dân, năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, cùng với kết quả cụ thể của nhiệm vụ được giao. Đối với các cán bộ giữ vai trò quản lý, dự thảo bổ sung thêm các tiêu chí như kết quả hoạt động của cơ quan, khả năng tạo sự đoàn kết trong nội bộ, tinh thần đổi mới và sự sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào đầu tháng 5 tới.