Thứ năm, 22/05/2025 18:52 (GMT+7)

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ: Công an cấp xã không phải là một cấp điều tra

Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đề nghị nghiên cứu làm rõ hơn để khi vận dụng, tiến hành quy định, tránh suy diễn công an cấp xã cũng là một cấp điều tra.

Công an cấp xã không phải cấp điều tra độc lập mà chỉ là các điều tra viên thuộc cơ quan điều tra công an tỉnh được bố trí tại xã, thực hiện nhiệm vụ tư pháp, không mang tính chất hành chính. Đây là nội dung được Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh tại phiên thảo luận tổ về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự chiều nay.

tm-img-alt
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ. (Ảnh: Gia Hân)

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc dự thảo luật bổ sung quy định trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã được giao thẩm quyền điều tra. Cụ thể, những người này có thể được thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh phân công điều tra các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù, xảy ra trên địa bàn cấp xã.

Để các điều tra viên tại công an cấp xã có thể thực hiện đầy đủ thẩm quyền, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị cần sửa đổi các quy định liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, cũng như các biện pháp ngăn chặn khác. Các quy định này nhằm đảm bảo điều tra viên tại công an cấp xã có đủ thẩm quyền để xử lý các tình huống tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cần làm rõ hơn để khi áp dụng không dẫn đến hiểu nhầm, tránh việc suy diễn rằng công an cấp xã là một cấp điều tra độc lập. Ông khẳng định: "Công an cấp xã không phải một cấp điều tra". Những điều tra viên được bố trí tại đây thực chất là cán bộ thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh, hoạt động dưới danh nghĩa tư pháp, không phải chức danh hành chính như trưởng hoặc phó công an cấp xã.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ủng hộ dự thảo luật này và cho rằng việc bổ sung thẩm quyền điều tra cho công an cấp xã là cần thiết. Ông lập luận rằng hiện nay cơ quan điều tra công an tỉnh phải xử lý toàn bộ các vụ án trên địa bàn rộng lớn, trong khi công an cấp huyện không còn chức năng điều tra. Nếu không tăng cường điều tra viên tại cơ sở, các vụ việc xảy ra sẽ chỉ dừng ở mức bảo vệ, quản lý hiện trường, đợi công an tỉnh xuống xử lý thì "phải mất thời gian bao lâu?".

Theo ông Hòa, để trở thành điều tra viên tại công an cấp xã, trưởng hoặc phó trưởng công an xã phải có bằng chuyên môn, trải qua khóa học 6 tháng và kỳ thi sát hạch. Ông khẳng định: "Không phải công an nào được bố trí làm trưởng công an cấp xã cũng là điều tra viên". Vì vậy, việc bổ sung thẩm quyền này vẫn đảm bảo tính chặt chẽ. Ông cũng đề xuất mỗi xã, phường cần có từ 1-2 điều tra viên để đảm bảo xử lý hiệu quả các công việc.

Trong khi đó, đại biểu Dương Ngọc Hải (TPHCM) bày tỏ một số băn khoăn. Ông cho rằng khi trưởng công an xã được giao quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện các quyết định tố tụng như bắt tạm giam, kê biên tài sản, khám xét, thì cần làm rõ danh nghĩa hoạt động. Ông đặt câu hỏi: "Vậy trưởng hoặc phó công an cấp xã được giao các quyền trên sẽ lấy danh nghĩa là gì, con dấu ra sao? Nếu lấy danh nghĩa công an cấp xã để ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam sẽ phát sinh thêm một cơ quan điều tra công an cấp xã".

Ông Hải dẫn chứng, tại TPHCM hiện có 168 phường, xã và đặc khu. Nếu mỗi địa bàn phát sinh một cơ quan điều tra cấp xã, điều này sẽ mâu thuẫn với chủ trương giảm cơ quan điều tra từ 3 cấp xuống 2 cấp. Ông cũng chỉ ra rằng nếu công an cấp xã thực hiện hoạt động tố tụng dưới danh nghĩa cơ quan điều tra công an tỉnh, dùng con dấu và chữ ký của thủ trưởng cơ quan điều tra công an tỉnh, thì với số lượng lớn các quyết định tố tụng mỗi ngày, việc xử lý hồ sơ có thể gây quá tải cho công an tỉnh.

Những ý kiến này cho thấy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo việc bổ sung thẩm quyền cho công an cấp xã không gây ra những bất cập trong quá trình thực hiện, đồng thời phù hợp với hệ thống tổ chức hiện hành.

Cùng chuyên mục

Tin mới