Thứ năm, 24/04/2025 23:35 (GMT+7)

Hết cửa thoát cho doanh nghiệp chậm và trốn đóng bảo hiểm cho người lao động

Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến, nhấn mạnh việc siết chặt quản lý, xử lý nghiêm các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, hướng đến bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cũng như bảo hiểm thất nghiệp. Mặc dù vậy, thực trạng này vẫn diễn ra tại không ít doanh nghiệp, kéo dài trong nhiều năm, gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thu hồi, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội, đặc biệt tập trung vào các nội dung về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, xử lý khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này, cùng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

tm-img-alt
Xử lý nghiêm đơn vị chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ Nội vụ, quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp là điểm mới, bởi trước đây pháp luật chưa làm rõ khái niệm như thế nào là chậm đóng, trốn đóng. Dự thảo nghị định lần này bổ sung nhiều quy định cụ thể nhằm nhận diện, xử lý các hành vi vi phạm, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc phát hiện, đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng bảo hiểm.

Theo dự thảo, Giám đốc cơ quan bảo hiểm xã hội quản lý trực tiếp các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp sẽ xác định các trường hợp chậm đóng, trốn đóng. Hằng tháng, vị này phải gửi văn bản yêu cầu người sử dụng lao động hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn 10 ngày đầu của tháng nếu rơi vào các trường hợp chậm đóng theo khoản 1 Điều 38 hoặc trốn đóng theo điểm đ, e khoản 1 Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội. Còn với những trường hợp chậm đóng, trốn đóng không thuộc các quy định trên, giám đốc cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ gửi văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm hoặc tiếp nhận thông tin bằng văn bản từ cơ quan có thẩm quyền.

Thông tin về doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cũng sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh tổng hợp và gửi lên các cấp có thẩm quyền. Cụ thể, trước ngày 15 của tháng đầu quý, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh sẽ gửi thông tin về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng tính đến hết ngày cuối quý, cùng kết quả xử lý, đề xuất xử lý đến các cấp như Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh theo đúng thẩm quyền. Đối với báo cáo bán niên và cuối năm, trước ngày 15/7 và 15/1 hàng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ gửi thông tin về các đơn vị vi phạm tới các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ở Trung ương, Bộ Nội vụ. Trong trường hợp có yêu cầu đột xuất, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng sẽ báo cáo về người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng với cơ quan có thẩm quyền.

Về xác định hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo nghị định nêu rõ hai trường hợp sẽ bị coi là trốn đóng. Thứ nhất là việc không đăng ký tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp đối với khoản tiền lương để ngoài sổ kế toán. Thứ hai là người sử dụng lao động sử dụng giấy tờ, tài liệu, thông tin không có thật để được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ngược lại, các trường hợp không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp bao gồm việc doanh nghiệp đăng ký tham gia không đúng thời hạn hoặc không đóng, đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký tham gia do gặp phải sự cố khách quan không thể lường trước và đã nỗ lực tối đa để khắc phục.

Số tiền và số ngày chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cũng được quy định rõ. Đối với khoản chậm đóng theo khoản 1 Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội, số tiền chậm đóng là khoản tiền thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động vẫn còn phải đóng sau khi đã quá hạn đóng chậm nhất theo quy định. Trong trường hợp chậm đóng theo khoản 2, khoản 3 Điều 38 Luật này, số tiền chậm đóng là khoản tiền người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động chưa được đăng ký tham gia bảo hiểm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia. Nếu doanh nghiệp không đóng đúng thời hạn do sự cố khách quan không thể lường trước, số tiền chậm đóng là khoản phải đóng cho người lao động trong thời gian chưa tham gia. Số ngày chậm đóng được xác định kể từ ngày sau thời hạn đóng bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật.

Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác định hành vi chậm đóng, trốn đóng và tổ chức thu khoản tiền tương ứng, bao gồm cả khoản tiền phạt lãi suất bằng 0,03% mỗi ngày trên số tiền chậm đóng, trốn đóng. Hằng tháng, đơn vị quản lý sẽ xác định số tiền và số ngày chậm đóng, trốn đóng, đồng thời thông báo với người sử dụng lao động để đối chiếu, tổ chức thu và quản lý khoản thu đó theo quy định hiện hành. Việc thu tiền được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: trước hết là khoản tiền phạt 0,03%/ngày, tiếp đó là số tiền trốn đóng, chậm đóng, rồi mới đến các khoản phải nộp khác theo quy định.

Ngoài ra, khi phát hiện hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ đồng thời áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc. Người sử dụng lao động bị buộc đóng đủ số tiền còn thiếu hoặc trốn đóng, nộp đầy đủ khoản phạt tính theo ngày vi phạm vào các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Không chỉ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp vi phạm còn không được xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng trong thời gian vi phạm.

Cùng chuyên mục

Đề xuất sắp xếp, tổ chức lại thôn, tổ dân phố
Đề án xác định thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải cấp hành chính. Trước mắt, số lượng thôn, tổ dân phố hiện tại sẽ được giữ nguyên, đồng thời hướng tới việc cải thiện quản lý tại cơ sở.
Bộ Nội vụ đề xuất bỏ ngạch công chức
Thay vì quản lý và bổ nhiệm công chức theo ngạch như hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất áp dụng hệ thống quản lý theo vị trí việc làm, xếp thứ bậc dựa trên tính chất công việc và khung năng lực.
Bộ Nội vụ đề xuất quy định sàng lọc công chức
Bộ Nội vụ đề xuất công chức có hai năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị cho thôi việc. Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi bổ sung quy định đánh giá công chức, nhằm nâng cao hiệu quả sàng lọc và tăng động lực làm việc.

Tin mới