Công chức không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị điều chuyển hoặc cho thôi việc
Công chức bị đánh giá "không hoàn thành nhiệm vụ" có thể bị chuyển sang vị trí thấp hơn hoặc buộc thôi việc để đảm bảo hiệu quả công việc và kỷ luật hành chính, theo nội dung dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).
Sáng 7/5, Bộ trưởng Nội vụ, thừa ủy quyền Thủ tướng, đã trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Theo dự thảo, công chức sẽ được phân loại theo bốn mức: hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá dựa trên kết quả, sản phẩm công việc theo vị trí được giao, mức độ đáp ứng yêu cầu và đạo đức công vụ.

Kết quả này sẽ được lưu vào hồ sơ, thông báo cho cá nhân liên quan và công khai trong đơn vị công tác. Đây là cơ sở để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách đối với công chức. Mục tiêu chính của quy định này là sàng lọc, loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu, đảm bảo hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính.
Đối với công chức bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan quản lý có thể điều chuyển sang vị trí công tác có yêu cầu thấp hơn hoặc cho thôi việc. Những người không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tiếp sẽ bị buộc thôi việc.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định mới nhằm loại bỏ tư duy "biên chế suốt đời", đồng thời tăng cường kỷ luật và kỷ cương hành chính. Những thay đổi này hướng đến việc xây dựng hệ thống quản lý công chức hiện đại, minh bạch, đảm bảo sử dụng đúng người, đúng việc, và loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu công việc.
Dự thảo mới lần này đã thay đổi so với bản tháng 4, loại bỏ quy trình theo dõi 6 tháng đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ, cho phép xử lý ngay. So với quy định hiện hành, nội dung sửa đổi có điểm khác biệt lớn, khi công chức không hoàn thành nhiệm vụ hai năm liên tiếp sẽ bị buộc thôi việc, thay vì chỉ áp dụng việc bố trí lại công tác hoặc không bổ nhiệm lại đối với công chức lãnh đạo.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao dự thảo luật, cho rằng việc đánh giá công chức dựa trên kết quả và sản phẩm cụ thể là thực chất hơn, thể chế hóa yêu cầu của Trung ương về đổi mới công tác cán bộ và sàng lọc người yếu kém. Ủy ban cho rằng đề xuất này giúp khắc phục tình trạng đánh giá hình thức, cảm tính trước đây.
Một số ý kiến cho rằng việc đặt mục tiêu sàng lọc, bố trí công chức phù hợp hoặc cho thôi việc người không đạt yêu cầu là điểm mới tích cực. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, minh bạch, các tiêu chí đánh giá cần được xây dựng rõ ràng, định lượng và ứng dụng công nghệ số. Một số đại biểu cũng đề xuất cần phân biệt cơ chế đánh giá và xử lý giữa công chức quản lý và công chức không quản lý để đảm bảo công bằng.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị nghiên cứu thêm việc đưa tiêu chí kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập vào quy trình đánh giá cán bộ, đảng viên, cũng như mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu, theo yêu cầu của Bộ Chính trị.