Tổng Bí thư Tô Lâm: Không giới hạn kênh góp ý sửa đổi Hiến pháp
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, giao nhiệm vụ rõ ràng đến từng cấp, từng vị trí, nhằm đảm bảo bộ máy vận hành hiệu quả và thông suốt.
Chiều 13/5, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Ban Bí thư để nghe báo cáo tiến độ và thảo luận về việc lấy ý kiến nhân dân, các cấp, ngành đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Ban Bí thư, chiều 13/5. Ảnh: TTXVN
Ông yêu cầu Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương, Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Trung ương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đảm bảo đúng tiến độ trình Quốc hội theo chương trình kỳ họp.
Tổng Bí thư nhấn mạnh việc tuyên truyền cần được đẩy mạnh để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Quá trình lấy ý kiến phải đa dạng hình thức, phát huy dân chủ thực chất, không giới hạn kênh góp ý, trong đó có ứng dụng VNeID, nhằm huy động tối đa sự tham gia của người dân.
Ông lưu ý việc tiếp nhận ý kiến cần khách quan, đầy đủ và đúng phạm vi nội dung sửa đổi để báo cáo Quốc hội xem xét. Đồng thời, các cấp, ngành phải tăng cường đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Ban Bí thư giao Đảng ủy Quốc hội chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng kết toàn diện việc lấy ý kiến nhân dân sau khi hoàn tất, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm phục vụ cho các hoạt động chính trị lớn khác trong tương lai.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Đảng ủy Chính phủ nhanh chóng thực hiện phân cấp quản lý triệt để, rõ ràng và cụ thể trong việc sắp xếp bộ máy. Ông nhấn mạnh: "Phải thay đổi căn bản tư duy. Nếu cứ giữ lối nghĩ cũ, phân cấp nửa vời hoặc không phân cấp thì rất khó triển khai công việc hiệu quả". Theo ông, phân cấp nhằm đảm bảo bộ máy hành chính vận hành trơn tru, mỗi người làm việc đúng chức năng, nhiệm vụ.
Ông khẳng định, trọng tâm của phân cấp phải đặt ở cấp cơ sở - nơi trực tiếp giải quyết các nhu cầu của người dân. Trung ương và cấp tỉnh cần tập trung vào xây dựng chính sách, còn chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã, phường, phải chủ động thực thi và giải quyết kịp thời.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu sau khi phân cấp, cần tổ chức tập huấn và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đồng thời hướng dẫn cụ thể để tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm. Ông nhấn mạnh: "Cán bộ phải thể hiện rõ chính kiến trước các vấn đề phát sinh, chủ động đề xuất giải pháp xử lý. Nếu vượt thẩm quyền thì phải tích cực phối hợp với các bên liên quan, không được đứng ngoài cuộc". Ông cho rằng đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực cán bộ.
Trước đó, vào ngày 5/5, với 100% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn được giao làm Chủ tịch Ủy ban; ba Phó chủ tịch gồm Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Phó thủ tướng Lê Thành Long.
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này nhằm hiện thực hóa chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Các nội dung trọng tâm bao gồm hoàn thiện quy định về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cùng với việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương.