Thứ ba, 13/05/2025 13:42 (GMT+7)

Sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp: Kéo dài thời gian miễn thuế để khuyến khích đầu tư

Quốc hội ngày 12/5 đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đề xuất tăng thời gian miễn thuế lên 5 năm cho lĩnh vực công nghệ cao và chuyển đổi số

ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng miễn thuế cho hoạt động nghiên cứu và phát triển là bước tiến lớn trong khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, ông nhận định, thời gian miễn thuế tối đa 3 năm hiện nay là quá ngắn so với chu kỳ đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ cao, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo. Ông Minh đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm để phù hợp với thực tế các dự án nghiên cứu và phát triển, vốn thường mất từ 5 đến 10 năm để hoàn thiện và thương mại hóa. Ngoài ra, ông cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cụ thể hóa chủ trương miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị.

Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Đoàn Cần Thơ) nhấn mạnh rằng thời gian miễn thuế tối đa 3 năm là chưa đủ để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp công nghệ cao vận hành hiệu quả. Các dự án trong lĩnh vực này thường cần ít nhất 5 đến 10 năm để hoàn thiện. Vì vậy, ông kiến nghị điều chỉnh thời gian miễn thuế lên 5 năm để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững.

tm-img-alt
ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai. Ảnh: Quang Vinh/ Đại đoàn kết

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn Hà Nội) cũng đề nghị dự thảo luật cần tập trung cụ thể hóa các chủ trương phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Bà Mai cho rằng, thời gian 3 năm miễn thuế hiện tại là chưa đủ để khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, y tế, dược phẩm, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới. “Do đó, rất mong cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra ủng hộ đề nghị xem xét kéo dài thời gian miễn thuế lên 5 năm đối với các lĩnh vực này”, bà đề xuất.

Cần miễn thuế cho các khoản tài trợ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

ĐBQH Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) ủng hộ việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực nền tảng cho tăng trưởng dài hạn. Bà Hà cho rằng việc giới hạn miễn thuế chỉ đối với các khoản tài trợ từ bên trong, không có quan hệ liên kết là quá thận trọng, làm giảm hiệu quả của chính sách. Theo bà, phần lớn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển hiện nay đến từ các tập đoàn đa quốc gia và các tập đoàn tư nhân lớn với mô hình liên kết. Nếu loại trừ các khoản tài trợ nội bộ, Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ dòng vốn đổi mới sáng tạo. Dự thảo luật cần thiết kế cơ chế kiểm soát rủi ro chặt chẽ, thực hiện hậu kiểm, truy thu nếu có vi phạm, đồng thời ban hành tiêu chí rõ ràng và khuyến khích kiểm toán độc lập.

tm-img-alt
ĐBQH Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quang Vinh/ Đại đoàn kết

ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh rằng miễn thuế cho các khoản tài trợ trong phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số là rất quan trọng. Ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc các chính sách phù hợp với thực tế, ưu đãi hơn trong lĩnh vực này.

ĐBQH Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) cũng lưu ý rằng dự thảo luật chưa có ưu đãi cụ thể dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp xanh và bền vững. Ông cho rằng ngoài quy định miễn thuế cho chuyển nhượng tín chỉ các bon và trái phiếu xanh, cần bổ sung ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và sản xuất bền vững. Đây cũng là quan điểm của ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng).

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị sớm đưa các quy định của luật vào cuộc sống để thúc đẩy thực hiện các nghị quyết, đặc biệt là Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68. Theo ông, luật nên có hiệu lực từ ngày 1/10/2025 thay vì chờ đến ngày 1/1/2026.

Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để kiện toàn nhân sự

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các dự án luật liên quan, bao gồm Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật tố tụng và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Nội dung đáng chú ý là việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc rút ngắn nhiệm kỳ 3 tháng. ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, thời gian này là hợp lý và cần thiết, phù hợp với lộ trình Đại hội XIV của Đảng vào tháng 1/2026 và ngày bầu cử dự kiến 15/3/2026. ĐBQH Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng), ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) và ĐBQH Trần Nhật Minh (Đoàn Nghệ An) cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc rút ngắn nhiệm kỳ để đảm bảo đồng bộ, liên thông và ổn định trong kiện toàn nhân sự cấp cao.

Trước đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã trình bày tờ trình về việc này, nhấn mạnh rằng rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp là cần thiết để đảm bảo tính liên tục, đồng bộ trong cơ cấu nhân sự cấp cao, giúp triển khai nhanh chóng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và các nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp. Theo đề nghị, nhiệm kỳ sẽ kết thúc vào đầu tháng 4/2026, thay vì tháng 7/2026.

Cùng chuyên mục

Tin mới