Đề xuất trao quyền Chính phủ quyết định quy hoạch đất và không gian biển quốc gia
Chính phủ đề xuất được trao quyền quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia, vốn đang thuộc thẩm quyền Quốc hội, nhằm tăng tính linh hoạt và rút ngắn thời gian thực hiện các quy hoạch.
Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là một phần của hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, được xây dựng để cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, tập trung vào việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo tiềm năng cho các ngành, lĩnh vực và địa phương. Hiện nay, quyền quyết định quy hoạch này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình sửa đổi Luật Quy hoạch. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội
Tuy nhiên, tại phiên trình dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch vào sáng ngày 9/5, Chính phủ đã đề xuất chuyển giao thẩm quyền này từ Quốc hội sang Chính phủ. Theo cơ quan soạn thảo, quy định hiện tại chưa tạo được sự linh hoạt, dẫn đến việc lập, thẩm định và quyết định các quy hoạch bị kéo dài. Vì vậy, dự luật nhằm phân cấp thẩm quyền, giúp nâng cao tính chủ động của các cấp và ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất giao quyền cho các Bộ tổ chức thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, đồng thời phân cấp cho UBND cấp tỉnh thực hiện thẩm định và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ có quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi HĐND tỉnh đã thông qua. Việc điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cũng được đề xuất nhằm đáp ứng nhu cầu sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho biết, một số ý kiến đề nghị không phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ trong việc quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đặc biệt là trong các trường hợp lập mới các quy hoạch này. Cơ quan thẩm tra nhận định rằng nội dung này chưa được đánh giá đầy đủ và chưa làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai quy định của Luật hiện hành. Đồng thời, các luật liên quan vẫn quy định quyền quyết định của Quốc hội đối với các tài nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở tầm quốc gia, dẫn đến sự không đồng bộ và thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Theo cơ quan thẩm tra, cả hai loại quy hoạch này đều có tính chiến lược, tổng thể và ảnh hưởng trên phạm vi toàn quốc, nên cần đặt dưới sự giám sát và quyết định của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Điều này nhằm đảm bảo kiểm soát quyền lực hiệu quả và định hướng phát triển bền vững.
"Chưa có đủ cơ sở đề xuất sửa đổi việc phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ quyết định tại dự thảo Luật lần này", cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.