Thứ tư, 27/11/2024 14:50 (GMT+7)

Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, tạo nền tảng phát triển bền vững

Chiều 26/11, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác lập quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, nông thôn trên phạm vi cả nước.

Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật này.

tm-img-alt
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 455/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với tỷ lệ tán thành cao.

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng với 5 chương và 59 điều, quy định toàn diện về hệ thống quy hoạch, quy trình lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh, cũng như tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch. Luật đề cao tính đồng bộ, phù hợp giữa các cấp độ và loại hình quy hoạch, đảm bảo các quy hoạch chung, phân khu, chi tiết được cụ thể hóa rõ ràng, thống nhất.

tm-img-alt
Chủ tịch nước Lương Cường tham gia biểu quyết

Theo quy định của Luật, quy hoạch đô thị và nông thôn phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp. Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết sẽ cụ thể hóa các nội dung như định hướng phát triển, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, tổ chức không gian và phân khu chức năng, cùng với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Các nội dung này phải được xác định rõ ràng và quy định cụ thể trong quy hoạch.

Về kinh phí thực hiện, Luật quy định Nhà nước bảo đảm kinh phí cho các hoạt động quy hoạch thông qua ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, và các nguồn vốn hợp pháp khác. Cụ thể, ngân sách trung ương dự kiến chi 77.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác lần lượt là 30.250 tỷ đồng và 15.000 tỷ đồng. Kinh phí này sẽ được sử dụng cho các hoạt động như khảo sát địa hình, lập và điều chỉnh quy hoạch, quản lý nghiệp vụ, công bố quy hoạch, và xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch.

Luật cũng nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và địa lý. Cơ sở dữ liệu này phải được cập nhật thường xuyên, đảm bảo tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu sẽ hỗ trợ công tác quản lý và thực hiện quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và nông thôn trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập.

Đặc biệt, Luật phân loại đô thị thành 6 loại, từ đô thị đặc biệt đến loại V, với các tiêu chuẩn phân loại căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội từng giai đoạn. Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về phân loại đô thị, đảm bảo định hướng phát triển xanh, thông minh, hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Luật cũng đưa ra quy định về công bố và công khai quy hoạch. Chậm nhất 15 ngày kể từ ngày quy hoạch được phê duyệt, nội dung quy hoạch phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ những nội dung thuộc bí mật nhà nước. Điều này đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân, đồng thời tăng cường tính minh bạch trong quản lý quy hoạch.

Theo Luật, việc quản lý kinh phí và hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn phải tuân thủ pháp luật về ngân sách, quy hoạch và các quy định liên quan khác. Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy định chi tiết để bảo đảm Luật được triển khai hiệu quả.

tm-img-alt
Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn với tỷ lệ tán thành cao

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đối với các quy hoạch đã được phê duyệt trước thời điểm này, thời hạn hiệu lực sẽ được duy trì đến hết thời hạn quy hoạch theo quy định của Luật. Việc thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đánh dấu nỗ lực của Quốc hội và Chính phủ trong việc tạo nền tảng pháp lý đồng bộ, hiện đại, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị và nông thôn, hướng tới một nền kinh tế - xã hội xanh, thông minh và hội nhập.

Cùng chuyên mục

Tăng cường chống buôn lậu dịp Tết Nguyên đán 2025
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đã ký ban hành Kế hoạch 133/KH-BCĐ389, nhằm triển khai phòng, chống buôn lậu hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Tin mới

Năm 2025, Tô Lịch sẽ là dòng sông xanh, sạch
Sáng 2/12, tại buổi kiểm tra tiến độ Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá và giải pháp làm sạch sông Tô Lịch, Bí thư Thành uỷ Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã nhấn mạnh quyết tâm cải thiện môi trường nội đô Hà Nội.