Thứ năm, 15/05/2025 11:36 (GMT+7)

Đề xuất tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cán bộ, công chức cấp xã

Ngày 14/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐB) Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, dự thảo Luật đã có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, nhấn mạnh trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND), đặc biệt là vai trò của Chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã và phường.

tm-img-alt
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An phát biểu (Ảnh: Minh Nam/Đại đoàn kết)

Tuy nhiên, ông An nhấn mạnh cần làm rõ hơn các cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND. Đồng thời, cần bổ sung quy định bắt buộc liên quan đến việc công khai, minh bạch trong các quyết định của chính quyền địa phương, nhất là các quyết định liên quan đến ngân sách, đất đai và đầu tư.

Đặc biệt, ông An đề xuất tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng như hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND), nhất là ở cấp địa phương. Ông lý giải rằng khối lượng công việc của UBND cấp xã hiện rất lớn, trong khi đó số lượng đại biểu HĐND cấp xã chuyên trách hiện chỉ có 3 người là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Do vậy, cần tăng lên 4-5 đại biểu để đảm bảo hiệu quả.

Bên cạnh đó, ông An cũng đề nghị UBND tỉnh có thể trực tiếp thực hiện một số công việc của cấp dưới hoặc UBND cấp xã trong những trường hợp cần thiết nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân. Theo ông, cần làm rõ các trường hợp cụ thể để việc triển khai được hiệu quả.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tán thành với cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, ông Hòa kiến nghị tăng số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh dựa trên quy mô dân số và diện tích. Ông nêu rõ rằng, sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, khối lượng công việc chỉ đạo và điều hành sẽ tăng đáng kể, do đó việc bổ sung thêm Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh là cần thiết.

Liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp xã, với các quy định hiện hành về giải quyết khiếu nại tố cáo, ĐB Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) đề nghị bổ sung thêm nội dung giải quyết kiến nghị, phản ánh. Theo ông Dũng, luật về tiếp công dân và các nghị quyết liên quan đến tiếp xúc cử tri đều đã ghi nhận vấn đề này. Vì vậy, cần bổ sung thêm để giải quyết những phản ánh của công dân không thuộc phạm vi khiếu nại tố cáo.

Đối với cơ cấu tổ chức của UBND, ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần rà soát lại quy định về các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính hoặc chức danh công chức chuyên môn để đảm bảo sự thống nhất trên cả nước. Ông nhấn mạnh rằng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã, phường, đặc khu phải đáp ứng được yêu cầu khi quy mô cấp xã sau sáp nhập tăng lên, với khối lượng công việc lớn hơn. Do đó, cần xem xét việc bố trí các chức danh công chức chuyên môn ở những xã không sáp nhập và đảm bảo sự phù hợp ở những xã được sáp nhập.

ĐB Nguyễn Quốc Hận (Đoàn Cà Mau) cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường số lượng cán bộ, công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và phân loại đơn vị hành chính. Ông cũng cho rằng cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời quy hoạch, đầu tư để mỗi tỉnh có ít nhất một khu công nghiệp tập trung. Điều này nhằm giải quyết việc làm cho lực lượng công chức dôi dư sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy và đáp ứng nhu cầu lao động tại địa phương.

Cùng chuyên mục

Sẽ không còn viện kiểm sát cấp cao và cấp huyện
Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đề xuất mô hình viện kiểm sát 3 cấp, trong đó không còn Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện, đồng thời tăng số kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Tin mới