Thứ bảy, 24/05/2025 16:45 (GMT+7)

Đề xuất đưa tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy chính thức từ tiểu học đến đại học

Trong phiên thảo luận tại tổ, thuộc khuôn khổ kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Phạm Thúy Chinh đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về chống lãng phí.

Những ý kiến này tập trung vào việc đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024.

tm-img-alt
Đại biểu Phạm Thúy Chinh phát biểu thảo luận. (Ảnh: baohagiang)

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh ba nội dung chính: cơ chế đặc thù cho các địa phương, giáo dục tiết kiệm và chống lãng phí, cùng hiệu quả đào tạo nghề cho người lao động nông thôn. Đối với cơ chế đặc thù, đại biểu cho biết, Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho 10 tỉnh, thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua. Hiện Chính phủ đang đề xuất chuyển tiếp áp dụng các cơ chế này cho những địa phương điều chỉnh đơn vị hành chính. Tuy nhiên, khi phạm vi áp dụng được mở rộng lên 17/34 tỉnh, thành phố, đại biểu đặt vấn đề: “Liệu khi có tới 50% số địa phương được áp dụng thì còn có thể gọi đây là 'đặc thù' nữa không?”. Vì vậy, bà đề nghị cần có sự đánh giá tổng thể, loại bỏ các chính sách không còn hiệu quả hoặc không khả thi, để đảm bảo tính hiệu quả của cơ chế.

Đồng tình với việc xây dựng văn hóa tiết kiệm và chống lãng phí, đại biểu nhấn mạnh rằng nội dung này cần được đưa vào chương trình giáo dục chính thức, từ bậc tiểu học đến đại học và giáo dục nghề nghiệp. Theo bà, việc hình thành thói quen tiết kiệm và ý thức chống lãng phí từ nhỏ sẽ tạo ra nền tảng văn hóa tích cực, góp phần phát triển xã hội bền vững. Đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục, mà còn cần sự chỉ đạo từ các cấp lãnh đạo để thực hiện hiệu quả.

Về đào tạo nghề nông thôn, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, dù báo cáo cho thấy 69% lao động được đào tạo, trong đó 28% có văn bằng, chứng chỉ, nhưng thực tế tại địa phương lại phản ánh sự thiếu chính xác trong dữ liệu lao động. Nhiều lao động trẻ (18-35 tuổi) đã rời địa phương để làm việc tại các khu công nghiệp, trong khi phần lớn đối tượng được đào tạo lại là người lớn tuổi, không còn khả năng phát huy hiệu quả sau đào tạo. Bên cạnh đó, việc một lao động được đào tạo lặp lại nhiều lần nhưng không mang lại chuyển biến thực chất đã gây ra sự lãng phí nguồn lực và làm sai lệch kết quả báo cáo. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát chương trình đào tạo nghề nông thôn trên toàn quốc, tập trung đào tạo đúng đối tượng, đáp ứng đúng nhu cầu. Đồng thời, cần kiểm tra việc sử dụng kinh phí để đảm bảo nguồn lực đến được người lao động, thay vì bị lãng phí qua các khâu trung gian đào tạo hoặc tư vấn.

Về kết quả thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2024, đại biểu Vương Thị Hương ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn còn những tồn tại đáng lo ngại như tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị thấp, tình trạng bạo lực giới diễn biến phức tạp, và các chương trình bình đẳng giới chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ chính sách còn mang tính hình thức, đội ngũ cán bộ thiếu chuyên môn hóa, kinh phí hạn chế, khó khăn trong thu thập dữ liệu và thiếu sự lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật.

Bà cũng chỉ rõ, sau 18 năm thực thi, Luật Bình đẳng giới đã bộc lộ nhiều bất cập. Một số quy định còn chung chung, thiếu hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực tiễn. Ví dụ, chính sách hỗ trợ nữ cán bộ có con nhỏ đi đào tạo, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, hay quy định bình đẳng trong tiếp cận khoa học công nghệ đều chưa khả thi do thiếu tiêu chí rõ ràng. Đặc biệt, vấn đề bạo lực trên cơ sở giới chưa được quy định cụ thể, hệ thống dữ liệu và ngân sách chuyên biệt cũng chưa được thiết lập để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó hiệu quả.

Trước các vấn đề trên, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị Chính phủ cần tập trung nghiên cứu, rà soát toàn diện để sớm hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Bình đẳng giới. Điều này sẽ giúp khắc phục những bất cập trong thực tiễn, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đồng thời thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn mới.

Cùng chuyên mục

Tin mới