Chủ nhật, 27/04/2025 10:58 (GMT+7)

Đấu giá tài sản: Những hành vi bị cấm và chế tài xử lý

Đấu giá tài sản là một cơ chế quan trọng nhằm đảm bảo sự minh bạch, công khai và hiệu quả trong việc chuyển nhượng tài sản. Để bảo vệ quyền lợi các bên liên quan và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, pháp luật đã quy định rõ ràng các hành vi bị cấm.

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 9 Bộ Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (Luật số 01/2016/QH14), nghiêm cấm đấu giá viên thực hiện các hành vi cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng Chứng chỉ hành nghề đấu giá của mình; Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi; Thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; Hạn chế cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá không đúng quy định của pháp luật; Vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên; và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

tm-img-alt
Một phiên đấu giá tài sản tại Bắc Giang.

Ngoài ra, nghiêm cấm các hành vi mà Tổ chức đấu giá tài sản cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề đấu giá tài sản. Đặc biệt, việc Hội đồng đấu giá và Tổ chức đấu giá tài sản thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; Cản trở, gây khó khăn cho người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; Để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi; Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ người có tài sản đấu giá ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận cũng là hành động bị nghiêm cấm trong đấu giá tài sản. Những hành vi trên được nêu rõ tại Khoản 2 Khoản 3 Điều 9 Bộ Luật này.

Khoản 4 Khoản 5 Điều 9 cũng đề cập, đối với người có tài sản đấu giá không được thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản; Nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào từ đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá để làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Đặc biệt, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác không được cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật; sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản; Cản trở hoạt động đấu giá tài sản; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá và đe dọa, cưỡng ép đấu giá viên, người tham gia đấu giá khác nhằm làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản.

Căn cứ theo Luật số 65/2006/QH11 về Luật Luật sư và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, thi hành án dân sự và các lĩnh vực khác. Cụ thể, mức phạt đối với các hành vi vi phạm có thể lên đến 50 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Chẳng hạn, hành vi thông đồng, cản trở người tham gia đấu giá, hoặc cung cấp thông tin không chính xác về tài sản đấu giá đều có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định này. Thêm nữa, các hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề hoặc giấy phép hoạt động tổ chức đấu giá cũng có thể được áp dụng đối với các tổ chức hoặc cá nhân vi phạm.

tm-img-alt
Gian lận trong đấu giá tài sản có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Đối với các hành vi nghiêm trọng hơn, như gian lận, thông đồng, làm sai lệch kết quả đấu giá hoặc gây thiệt hại lớn đến lợi ích công và tài sản nhà nước, pháp luật có thể áp dụng các biện pháp xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Chẳng hạn Điều 218 về tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản. Người nào thực hiện một trong các hành vi thu lợi bất chính được nêu thì có thể bị phạt đến 1 tỷ đồng và phạt tù tới 5 năm.

Hơn nữa, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) áp dụng cho các trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trong tổ chức đấu giá hoặc các cơ quan liên quan lợi dụng vị trí của mình để can thiệp trái pháp luật vào quá trình đấu giá, gây hậu quả nghiêm trọng. Hình phạt cho tội danh này có thể bao gồm phạt tù từ 1 năm đến 15 năm, tùy thuộc vào hậu quả và mức độ vi phạm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời hạn từ 1 năm đến 5 năm. Nếu trong quá trình đấu giá, một bên sử dụng các thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác, hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174. Tùy vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, hình phạt có thể từ phạt cải tạo không giam giữ đến tù chung thân nếu giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, đối với các hành vi gian lận trong đấu giá tài sản công, nếu vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, các cá nhân hoặc tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các quy định khác trong Bộ luật Hình sự, ví dụ như Điều 222 Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (nếu đấu giá liên quan đến đấu thầu tài sản công). Hình phạt cho tội danh này có thể bao gồm phạt tù đến 20 năm, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.

Các quy định về xử phạt được áp dụng trực tiếp để bảo vệ sự minh bạch và công bằng trong hoạt động đấu giá tài sản. Nếu không có biện pháp xử lý nghiêm khắc, các hành vi như thông đồng, cản trở hoặc cung cấp thông tin sai lệch sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người tham gia đấu giá và uy tín của tổ chức đấu giá.

Cùng chuyên mục

Thủ tục đính chính sổ đỏ sau khi sáp nhập tỉnh, thành
Người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu. Sau khi sáp nhập tỉnh thành, muốn đính chính thông tin trên sổ đỏ, người dân cần lưu ý những thủ tục và hồ sơ sau đây.
Thế chấp nhà xưởng trên đất thuê có được không?
Bạn Liên (Bắc Phú, Sóc Sơn) hỏi: Việc thế chấp tài sản là một hình thức phổ biến để huy động vốn trong kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người sử dụng đất thuê để làm nhà xưởng. Vậy nhà xưởng trên đất thuê có thế chấp vay ngân hàng được không?

Tin mới