Thi công dự án: Đừng để lòng dân 'nứt' như tường nhà
Hàng loạt công trình dân sinh như trường học, bệnh viện... được xây dựng mang theo hy vọng đổi thay đô thị. Thế nhưng, đằng sau những tiếng máy ầm ầm là hàng chục căn nhà xung quanh rơi vào cảnh “sống chung với nứt” mà chưa biết đòi công lý từ đâu.
Vết nứt giữa lòng dân – hệ lụy từ những công trình “vì dân”
Tại nhiều địa phương, việc thi công các dự án công trình lớn bên cạnh khu dân cư đang khiến không ít hộ gia đình lâm vào cảnh hỏng nhà. Những tiếng khoan, rung chuyển nền móng, xe tải trọng lớn đi lại liên tục… từng ngày bào mòn nền móng vốn đã cũ kỹ của các ngôi nhà dân.
Tại nhiều đô thị như Hải Phòng, Hà Nội,... việc xây dựng những công trình trường học hiện đại khiến nhiều hộ dân xung quanh hân hoan. Nhưng chỉ vài tháng sau, những vết nứt chạy dài trên tường, trần nhà bong tróc, cửa chính không thể đóng kín vì móng nhà bị xô lệch.

Một người dân sống cạnh công trình đang thi công, bức xúc: “Trường xây cho học sinh, nhưng nhà tôi nguy cơ sập từng ngày. Mỗi lần có xe chở vật liệu, khoan đục là tôi run cầm cập. Chưa kịp mừng đã lo mất nhà. Đề nghị bồi thường thì quy trình khó khăn, mệt mỏi."
Không thể “đánh đổi” sự an toàn của người dân lấy công trình to đẹp
Câu hỏi đặt ra: Ai phải chịu trách nhiệm khi nhà dân bị hư hỏng do thi công công trình công?
Thực tế cho thấy, phần lớn các dự án đều được giao cho nhà thầu thi công qua đấu thầu công khai. Nhưng quá trình kiểm tra, giám sát sau đó lại chưa thực sự chặt chẽ. Việc rung chấn vượt ngưỡng, ép cọc sai kỹ thuật, không khảo sát ảnh hưởng tới nhà xung quanh… diễn ra phổ biến.

Một số nhà thầu chọn giải pháp “im lặng”, một số khác đưa ra mức đền bù tượng trưng hoặc kéo dài thời gian giám định thiệt hại. Trong khi đó, người dân chỉ biết cầu cứu lên phường, rồi quận, rồi Sở – như một vòng xoáy trách nhiệm không hồi kết.
Góc nhìn pháp lý: Không thể để dân “chịu trận”
Theo quy định pháp luật hiện hành:
Điều 12 - Bộ Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020): Các hành vi bị nghiêm cấm.
- Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật này. Cụ thể, quy định theo Điều 107 việc khởi công xây dựng công trình phải đảm bảo điều kiện có giấy phép xây dựng theo quy định có điều kiện cấp phép đảm bảo bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ...; có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.
Điều 46 - 06/2021/NĐ-CP:Giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng.
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân các sự cố trên địa bàn; thành lập Tổ điều tra sự cố để giám định nguyên nhân sự cố. Tổ điều tra sự cố bao gồm đại diện các đơn vị của cơ quan chủ trì giải quyết sự cố, các cơ quan có liên quan và các chuyên gia về những chuyên ngành kỹ thuật liên quan đến sự cố. Trường hợp cần thiết, cơ quan chủ trì tổ chức giám định nguyên nhân sự cố chỉ định tổ chức kiểm định thực hiện giám định chất lượng công trình phục vụ đánh giá nguyên nhân sự cố và đưa ra giải pháp khắc phục.
Bộ luật Dân sự 2015
*Điều 587: Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra.
- Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
*Điều 605: Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra.
- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
- Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Điều 31 - Nghị định 16/2022/NĐ-CP
- Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác
Cần sự vào cuộc thực chất, không chỉ "ghi nhận"
Không thể để những đơn thư khiếu nại của người dân chỉ dừng lại ở việc được “ghi nhận” rồi trôi vào quên lãng. Việc giám định thiệt hại phải được thực hiện bởi bên thứ ba độc lập, có chuyên môn và minh bạch. Ngoài ra:
Chính quyền địa phương cần chủ động kiểm tra định kỳ trong quá trình thi công, xử lý sớm các phản ánh thay vì chờ đến khi sự cố lớn xảy ra.
Các chủ đầu tư và nhà thầu phải ký cam kết bồi thường trước khi triển khai dự án, có quỹ dự phòng thiệt hại để xử lý nhanh chóng.
Truy trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng: Việc cố ý thi công sai kỹ thuật, che giấu sự cố có thể cấu thành hành vi hủy hoại tài sản người khác theo Điều 178 Bộ luật Hình sự.
Những vết nứt tưởng nhỏ lại bào mòn lòng tin vào chính quyền và pháp luật. Thay vì “chạy theo tiến độ công trình”, hãy song hành cùng tiến độ bảo vệ quyền lợi của người dân.
Một công trình hoàn thành không chỉ đo bằng chiều cao tòa nhà hay độ hiện đại của lớp học, mà phải được tính bằng sự yên tâm của người dân sống kế bên, sự minh bạch trong thi công và sự công tâm trong giải quyết hậu quả.
Chỉ khi đó, các dự án “vì dân” mới thực sự mang lại niềm tin, chứ không phải là nỗi lo vết nứt len lỏi trong từng mái ấm.