Bóng cười và 'lá chắn' pháp lý chống lại nụ cười giả tạo
Bóng cười từ lâu trở thành “cơn nghiện thời thượng” của một bộ phận giới trẻ. Thứ khí ga được thổi bay trong vài giây ấy không chỉ làm mờ lý trí, mà còn có thể thổi tan tương lai.
Bóng cười – "Trò chơi" đánh đổi bằng sức khỏe và tương lai
Từng được xem là một sản phẩm giải trí trong các buổi tiệc, quán bar hay karaoke, bóng cười (chứa khí N2O – Dinitơ monoxit) đang ngày càng phổ biến trong đời sống giới trẻ như một "món khoái khẩu" gây cười nhanh, rẻ và dễ tiếp cận.
Chỉ với vài chục nghìn đồng, một quả bóng căng đầy khí có thể mang lại cảm giác lâng lâng, kích thích thần kinh trong vài chục giây. Tuy nhiên, đằng sau những tràng cười vô thức ấy là những hậu quả không ai muốn đối mặt: rối loạn thần kinh, tê liệt chi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong nếu sử dụng lạm dụng hoặc sai cách.
Nguy hiểm hơn, nhiều bạn trẻ thậm chí không biết rằng: Việc sử dụng và kinh doanh bóng cười một cách không kiểm soát là vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, khí N2O không nằm trong danh mục chất ma túy, nhưng lại là hóa chất hạn chế sử dụng trong ngành y tế. Điều đó đồng nghĩa với việc kinh doanh, tàng trữ và sử dụng bóng cười ngoài mục đích y tế đều có thể bị xử lý theo pháp luật.
(1) Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội: Cụ thể Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
(2)Nghị định 98/2020/NĐ‑CP (hệ thống xử phạt vi phạm hành chính về hàng cấm): Điều 8 quy định mức phạt vi phạm hành chính khi buôn bán “hàng cấm” - trong đó từ 2025, bóng cười xếp vào nhóm này.
- Cá nhân bị phạt từ 1 triệu đến 100 triệu đồng, tùy theo giá trị hàng hóa hoặc lợi ích thu được.
- Tổ chức chịu mức gấp đôi so với cá nhân tương ứng.
(3) Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
- Điều 190: Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; có thể bị phạt tiền từ 100 triệu - 3 tỷ hoặc tù từ 1 - 15 năm.
- Điều 191: Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm; có thể bị phạt tiền tới 3 tỷ triệu hoặc tù đến 10 năm.
Hành trình triệt phá "startup" bán bóng cười lãi hàng chục tỷ đồng
Ngày 14/7 vừa qua, Nguyễn Trường Hoạt, chủ bar The Black Lounge (TP HCM), cùng 7 người khác bị Phòng Cảnh sát kinh tế TP HCM bắt tạm giam để điều tra hành vi Buôn bán hàng cấm.

Nguyễn Trường Hoạt tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp
Trước đó, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội kiểm tra quán bar The Black Lounge trên đường Cô Bắc, phường Cầu Ông Lãnh (quận 1 cũ), phát hiện nhiều người đang sử dụng khí N2O (bóng cười).
Tiếp tục khám xét kho hàng ở đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, cảnh sát thu giữ hàng trăm bình N2O các loại, bóng cao su, dụng cụ sang chiết chuyên dụng cùng nhiều tang vật liên quan.

Quán bar The Black Lounge bị cảnh sát kiểm tra. Ảnh: Công an cung cấp
Cơ quan điều tra xác định Hoạt là chủ quán bar The Black Lounge và kho chứa hàng này. Anh ta cùng các đồng phạm tổ chức đường dây mua bán và phân phối "bóng cười" trái phép với quy mô lớn trên địa bàn thành phố.
Từ đầu năm, Hoạt đưa khí N2O vào các quả bong bóng, cung cấp cho khách đến bar của mình sử dụng, đồng thời bán cho những tụ điểm kinh doanh khác. Tại quán mình, Hoạt chỉ đạo việc mua bán "bóng cười" phải ngụy trang bằng hình thức đổi tên thành "Cocktail" trong hóa đơn thanh toán.
Ông chủ bar phân công nhân sự phục vụ chuyên nghiệp, chặt chẽ từ chiết nạp, giao bóng, phục vụ khách đến ghi nhận doanh thu.
Ngoài ra, việc bán buôn, bán lẻ "bóng cười" còn được nhóm này rao trên mạng xã hội, có cộng tác viên, hệ thống giao hàng và thu tiền khép kín. Chỉ từ đầu năm đến nay, việc buôn bán khí N2O của Hoạt và đồng phạm đã thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng, theo cơ quan điều tra.
Biện pháp ngăn chặt tệ nạn bóng cười "nở rộ"
Để kiểm soát tệ nạn này, không chỉ cần đến sự can thiệp từ pháp luật, mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía:
(1) Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh khí N2O:
- Tăng cường thanh kiểm tra các quán bar, karaoke, cửa hàng shisha – nơi bóng cười thường xuất hiện.
- Xử lý nghiêm các điểm buôn bán trá hình, đặc biệt qua mạng xã hội.
(2) Giáo dục pháp luật và kỹ năng sống cho thanh thiếu niên:
- Trường học cần tổ chức các buổi tuyên truyền, giúp học sinh hiểu rõ tác hại và vi phạm pháp lý liên quan đến bóng cười.
- Trang bị kỹ năng từ chối cám dỗ, nhận diện nguy cơ từ “trò chơi” độc hại này.
(3) Vai trò của phụ huynh và cộng đồng:
- Phụ huynh cần quan tâm sát sao đến sinh hoạt, mối quan hệ và thói quen vui chơi của con em.
- Khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động lành mạnh, thể thao, nghệ thuật thay vì tìm đến chất kích thích.
Bóng cười không còn là chuyện vui nhất thời, mà là một vấn đề pháp lý, y tế và xã hội nghiêm trọng. Khi tiếng cười đến từ khí ga trở thành tiếng khóc trong bệnh viện hoặc phòng giam, đó là lúc chúng ta không thể đứng ngoài cuộc.
Một tương lai thực sự chỉ có thể được xây dựng từ nhận thức đúng và hành vi chuẩn mực, chứ không thể dựa trên cảm giác bay bổng giả tạo chỉ kéo dài vài giây nhưng đánh đổi bằng cả đời người.