Sẽ không còn viện kiểm sát cấp cao và cấp huyện
Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đề xuất mô hình viện kiểm sát 3 cấp, trong đó không còn Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện, đồng thời tăng số kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Sáng 25-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Tổ chức lại hệ thống viện kiểm sát, tăng cường kiểm sát viên cấp tối cao
Trình bày tờ trình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, để cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, dự thảo đề xuất tổ chức lại hệ thống viện kiểm sát từ 4 cấp xuống còn 3 cấp.
Theo đó, hệ thống mới sẽ bao gồm Viện Kiểm sát nhân dân cấp tối cao, cấp tỉnh, và cấp khu vực (thay thế cấp huyện), cùng với các Viện Kiểm sát quân sự. Như vậy, Viện KSND cấp cao và Viện KSND cấp huyện sẽ không còn được tổ chức.
Dự thảo luật cũng điều chỉnh tăng số lượng kiểm sát viên tại Viện KSND tối cao từ 19 người lên tối đa 27 người. Điều này nhằm đáp ứng yêu cầu về nhân lực để thực hiện nhiệm vụ công tố, kiểm sát xét xử, đặc biệt là phối hợp với Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ sự cần thiết của việc ban hành luật sửa đổi.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng tán thành với mô hình viện kiểm sát 3 cấp và đề nghị Viện KSND tối cao tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định liên quan trong Luật Tổ chức Viện KSND hiện hành để đảm bảo hệ thống vận hành đúng chủ trương của Đảng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng lưu ý về đề xuất nâng số lượng kiểm sát viên Viện KSND tối cao lên 27 người, cho rằng cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh dồn án lên cấp trung ương, đặc biệt trong bối cảnh chủ trương tinh gọn bộ máy vẫn đang được thực hiện.
Ông Tùng cho biết, số lượng kiểm sát viên Viện KSND tối cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý, với mức phụ cấp chức vụ 1,25. Vì vậy, trước đây khi sửa đổi Luật Tổ chức Viện KSND vào năm 2014, việc điều chỉnh số lượng kiểm sát viên cũng phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Mặc dù đề án của Viện KSND tối cao đã trình Ban Chấp hành Trung ương có đề cập nội dung này, nhưng Nghị quyết 60 của Hội nghị Trung ương 11 chưa có kết luận cụ thể. Vì vậy, cần thực hiện đầy đủ thủ tục xin ý kiến cấp có thẩm quyền theo đúng quy định của Bộ Chính trị.
Tổ chức khu vực đồng bộ với tòa án và cơ quan điều tra
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới nhấn mạnh, khi tổ chức Viện KSND khu vực, cần đồng bộ với tòa án khu vực và cơ quan điều tra khu vực để đảm bảo tính thống nhất. Ông đặt câu hỏi, ai sẽ chịu trách nhiệm tạo ra các khu vực này để thống nhất trên toàn quốc?
Giải trình về vấn đề này, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, phạm vi và thẩm quyền của các viện kiểm sát cấp tỉnh, khu vực sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, dựa trên đề xuất của Viện trưởng Viện KSND tối cao.
Về việc tăng số lượng kiểm sát viên Viện KSND tối cao, ông Tiến giải thích rằng, nhiệm vụ từ Viện KSND cấp cao sẽ được chuyển một phần xuống cấp tỉnh và một phần lên cấp tối cao. Do đó, cần bổ sung nhân lực để đáp ứng khối lượng công việc mới.
Ông thông tin trong đề án báo cáo của viện trình Hội nghị Trung ương 11 đã nêu nội dung này và sẽ phối hợp Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến cơ quan thẩm quyền về cách thức thực hiện.