Thứ hai, 09/06/2025 07:16 (GMT+7)

Nghiên cứu lộ trình kéo dài việc sử dụng người không chuyên trách tại thôn, tổ dân phố

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị nghiên cứu lộ trình kéo dài việc sử dụng người không chuyên trách cho phù hợp với thời điểm sắp xếp lại thôn, tổ dân phố, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.

Sau khi nghe Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về tình hình, tiến độ thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ ngày 1/6 đến ngày 5/6, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành kết luận số 163 về thực hiện một số nội dung, nhiệm vụ khi sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng trong kết luận này.

tm-img-alt
Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú (Ảnh: Plo)

Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất chủ trương tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh đồng thời với việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tại những địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện cần thiết. Các địa phương này cần hoàn thiện phương án nhân sự cấp tỉnh, cấp xã; sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện để tổ chức bộ máy hoạt động thông suốt, đồng bộ, và đã tổ chức vận hành thử nghiệm, rút kinh nghiệm về hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cấp xã.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy chủ động xem xét, quyết định thời điểm đưa các tổ chức, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp xã mới vào hoạt động. Thời điểm có thể thực hiện ngay từ ngày 1/7, khi Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) có hiệu lực thi hành và khi cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định liên quan. Các tỉnh ủy, thành ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Về quản lý tổng biên chế, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất chủ trương giao ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý tổng biên chế năm 2025 đã được Ban Tổ chức Trung ương giao. Đồng thời, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các tỉnh ủy, thành ủy cũng được phép chủ động điều chuyển số chỉ tiêu biên chế giữa khối chính quyền và khối Đảng, đoàn thể ở địa phương trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp. Việc điều chuyển này phải đảm bảo không thay đổi tổng biên chế và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức đã được Ban Tổ chức Trung ương giao; đồng thời, kịp thời báo cáo Ban Tổ chức Trung ương để tổng hợp, theo dõi.

Liên quan đến việc sáp nhập các cơ quan, Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu giữ nguyên số lượng tổ chức và số lượng cấp phó của các cơ quan, tổ chức khi thực hiện sáp nhập. Đối với các xã không thuộc diện sáp nhập, hợp nhất, việc tổ chức cơ quan chuyên môn phải bảo đảm thực hiện theo đúng Đề án đã được Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua. Đồng thời, phải đồng bộ với quy định về tổ chức bộ máy cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy xã, phường, đặc khu theo quy định thi hành Điều lệ Đảng và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền cấp xã mới.

Đảng ủy Chính phủ được giao chỉ đạo Đảng ủy Bộ Nội vụ hướng dẫn giải quyết kịp thời chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ công tác. Đồng thời, cần "nghiên cứu lộ trình kéo dài việc sử dụng người không chuyên trách phù hợp với thời điểm sắp xếp lại thôn, tổ dân phố (trước ngày 31/5/2026)".

Đảng ủy Quốc hội cũng được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thông qua Hiến pháp, các luật, nghị quyết có liên quan; hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sau sắp xếp. Đồng thời, tham mưu điều chỉnh, bổ sung Kết luận số 153-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031 cho phù hợp.

Bên cạnh đó, các đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương được yêu cầu khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, tập trung làm tốt công tác cán bộ, chính trị, tư tưởng, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ công tác; thực hiện nghiêm việc rà soát, thống kê, bàn giao tài sản, tài liệu, bảo đảm thông suốt trong quá trình chuyển giao.

Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương cũng cần chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ thuộc diện sáp nhập tiến hành đại hội hai nội dung theo quy định. Trong thời gian chờ cấp ủy cấp trên trực tiếp chỉ định nhân sự cấp ủy khóa mới, cấp ủy (chi ủy) khóa cũ phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của đảng bộ, chi bộ. Các đại hội đảng bộ cấp cơ sở cũng cần được hoàn thành trước ngày 30/6, riêng các nơi thuộc diện sáp nhập cần kết thúc trước ngày 31/7.

Cùng chuyên mục

Đề xuất giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động khu vực tư nhân xuống 44 giờ/tuần vào năm 2026 và 40 giờ/tuần vào năm 2030. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm ban hành chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.

Tin mới

Nghệ An có 130 xã, phường sau sắp xếp
Nghệ An sau khi sắp xếp có 119 xã, 11 phường, với xã Thông Thụ rộng nhất 706,75 km² và xã Đức Châu nhỏ nhất 20,97 km². Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16/6.
Người sáng lập và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam
Đến nay, những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý đối với nền báo chí cách mạng nước nhà. Người chỉ rõ: Công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự Nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”...
Ký ức vẹn nguyên sau mỗi chuyến đi
Có người từng hỏi tôi: “Đi nhiều, viết nhiều như thế, thứ gì khiến chị vẫn còn rung động?” Tôi chỉ mỉm cười. Bởi làm sao đong đếm hết những ánh mắt, những nụ cười, những câu chuyện tưởng như rất đỗi bình thường mà lại neo lại sâu trong tim?
Đề xuất giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động khu vực tư nhân xuống 44 giờ/tuần vào năm 2026 và 40 giờ/tuần vào năm 2030. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm ban hành chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.