Thứ năm, 15/05/2025 06:56 (GMT+7)

Dự án Luật giáo dục đại học sửa đổi: Đề xuất bỏ mô hình đại học quốc gia

Mô hình đại học hai cấp như đại học quốc gia theo một số hiệu trưởng là gây khó cho tự chủ, lại khác biệt với thế giới khi "university trong university", nên đề xuất bỏ.

Ông Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Đại học Hải Phòng, đã đưa ra ý kiến này tại buổi tọa đàm xây dựng Dự án Luật Giáo dục đại học sửa đổi, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 14/5.

Theo ông Hải, mô hình đại học quốc gia được triển khai từ năm 1995-1996 với các trường đại học thành viên và một số khoa trực thuộc. Tuy nhiên, sau nhiều năm, các khoa này đã dần trở thành trường đại học. Hiện nay, có những trường nhỏ chỉ với khoảng 100 giảng viên và vài nghìn sinh viên. Các đại học vùng cũng có đặc điểm tương tự.

tm-img-alt

Ông Bùi Xuân Hải phát biểu tại tọa đàm ngày 14/5. Ảnh: Ngọc Trang/Vnexpress

Ông Hải đặt vấn đề: "Chúng ta thử xem có nước nào trên thế giới có quy mô trường đại học hai cấp như vậy không?". Ông cho rằng hệ thống này khiến các trường thành viên chịu sự quản lý kép, vừa từ đại học, vừa từ cơ quan nhà nước, làm giảm tính tự chủ của các trường.

"Nếu xác định trường thành viên là cơ sở giáo dục đại học, cần để họ tự chủ như các trường độc lập khác. Chỉ khi đó, họ mới có thể phát triển mạnh mẽ", ông Hải nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng thừa nhận mô hình đại học hai cấp đang tồn tại nhiều bất cập. Ông chia sẻ: "Khi làm việc với đối tác nước ngoài, tôi giải thích trường của mình là university nhưng lại có một university khác quản lý bên trên. Điều này khiến họ không hiểu được hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam".

Trong báo cáo dự thảo về tác động của Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận mô hình này gây khó khăn và rủi ro trong tổ chức, quản lý, đặc biệt khi áp dụng cơ chế tự chủ.

Ông Bùi Xuân Hải đề xuất chỉ nên tổ chức các trường thành "school" theo đúng khái niệm quốc tế, thay vì để các trường đại học thành viên có tư cách pháp nhân độc lập trong hệ thống đại học. Ông cũng cho rằng cần hợp nhất các trường thành viên quy mô nhỏ để tạo thành các đại học có tầm vóc lớn hơn.

Các ý kiến về việc tái cấu trúc mô hình đại học hai cấp đã từng được đề cập trước đây. Năm 2022, GS Lâm Quang Thiệp, Đại học Thăng Long, trong một bài viết gửi hội thảo về mô hình tổ chức đại học tại Việt Nam, nhận định rằng hệ thống "hai cấp" của các đại học quốc gia và vùng đã làm mất đi ưu thế của mô hình đa lĩnh vực, đồng thời gây ra nhiều vấn đề về quản trị.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết vấn đề mô hình đại học hai cấp đã được thảo luận nhiều lần. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Đây không phải là chuyện bỏ đại học quốc gia và vùng. Những đơn vị này có sứ mạng, vị thế riêng do Nhà nước quản lý. Chúng ta cần bàn về cải tiến mô hình quản trị bên trong, chứ không phải bãi bỏ".

Hiện tại, Việt Nam có Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM và các đại học vùng gồm Đại học Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên. Theo quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học đến năm 2030, Việt Nam dự kiến thành lập thêm Đại học Quốc gia Huế và Đà Nẵng. Các đại học vùng khác gồm Thái Nguyên, Cần Thơ, Vinh, Nha Trang và Tây Nguyên.

Luật Giáo dục đại học 2018 phân biệt rõ khái niệm "đại học" và "trường đại học". Trường đại học hoặc học viện là cơ sở đào tạo và nghiên cứu nhiều ngành, trong khi đại học đào tạo và nghiên cứu đa lĩnh vực, bao gồm các trường đại học và khoa thành viên.

Theo Nghị định 99 năm 2019, để nâng cấp từ trường đại học thành đại học, cơ sở giáo dục cần đáp ứng ba điều kiện: được đánh giá đạt chuẩn kiểm định chất lượng; có ít nhất ba trường và 10 ngành đào tạo tiến sĩ; quy mô sinh viên chính quy trên 15.000; được cơ quan quản lý trực tiếp hoặc nhà đầu tư chấp thuận.

Hiện cả nước có 10 đại học, gồm 5 đại học quốc gia và vùng, cùng các đại học như Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Kinh tế TP HCM, Duy Tân và Phenikaa. Các đại học này không có trường đại học thành viên, chỉ có trường (school) và khoa trực thuộc.

Cùng chuyên mục

Đề xuất giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề xuất giảm giờ làm việc cho người lao động khu vực tư nhân xuống 44 giờ/tuần vào năm 2026 và 40 giờ/tuần vào năm 2030. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm ban hành chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.

Tin mới