Thứ ba, 15/07/2025 06:00 (GMT+7)

Ký ức tuổi 26 và khát vọng rực cháy của người lính xứ Nghệ

Nguyễn Xuân Thư – chàng trai xứ Nghệ – ra đi ở tuổi 26, để lại hành trình ngắn ngủi nhưng rực rỡ. Gần nửa thế kỷ sau, tên anh vẫn sống mãi trong ký ức đồng đội, như ngọn lửa không tắt giữa chiến trường miền Tây năm ấy.

Nguyễn Xuân Thư – chàng trai trẻ xứ Thanh Chương, Nghệ An – đã ra đi khi vừa tròn 26 tuổi, để lại phía sau một hành trình ngắn ngủi nhưng rực rỡ như ngọn lửa cháy hết mình vì khát vọng độc lập, tự do cho dân tộc. Gần nửa thế kỷ sau ngày anh nằm lại trên chiến trường miền Tây Nam Bộ, tên anh vẫn sống mãi trong ký ức của đồng đội, trong câu chuyện của những người lính không quên nhau giữa mịt mùng khói đạn…

Từ tuổi trẻ Tây tiến…

Năm 1964, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Xuân Thư rời quê nhà để lên đường nhập ngũ. Anh là một trong những người lính trẻ nhất Trung đoàn 10, Sư đoàn 4 – đơn vị chủ lực của Bộ Quốc phòng từng chiến đấu qua khắp các chiến trường ác liệt từ Tây Nguyên đến miền Tây Nam Bộ. Không chỉ là người lính quả cảm nơi tuyến đầu, Nguyễn Xuân Thư nhanh chóng trưởng thành trong chiến đấu, được tín nhiệm giữ chức Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 7 – một trong những đơn vị đặc công tinh nhuệ nhất của Trung đoàn.

Giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt, người lính xứ Nghệ mang bí danh “Hai Thư” ấy không chỉ nổi bật bởi bản lĩnh và trí tuệ mà còn bởi sự gần gũi, chân thành. Cao gầy, ít nói, ánh mắt sáng và nụ cười trầm ấm – đó là hình ảnh còn mãi trong lòng đồng đội, những người từng gọi anh là “anh hùng trong lòng đơn vị”.

tm-img-alt
Liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư  (đứng thứ hai từ trái) cùng chỉ huy Trung đoàn 10

... và những trận đánh không lùi bước

Từ năm 1970 đến đầu 1973, Tiểu đoàn 7 do Nguyễn Xuân Thư chỉ huy đã tham gia nhiều trận đánh lớn tại Cà Mau, Bà Thầy, Nông Cạn, Long Mỹ… Trong mỗi trận chiến, anh luôn là người xông pha trước, dẫn quân vượt đạn lửa, đưa đồng đội thoát hiểm, chỉ huy từng mũi đánh thọc sâu vào lòng địch.

Đêm 26, rạng ngày 27/1/1973 – đúng trước thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực, Hai Thư nhận lệnh chỉ huy Tiểu đoàn tổ chức tiến công địch tại chi khu Long Mỹ. Đó cũng là trận đánh cuối cùng của anh. Một loạt bom đã giáng trúng vị trí chỉ huy, Nguyễn Xuân Thư ngã xuống – khi anh mới 26 tuổi.

Tổ quốc mất đi một người con trung kiên. Trung đoàn 10 mất đi một người chỉ huy bản lĩnh. Nhưng đồng đội thì giữ mãi một ký ức: “Người đồng đội không bao giờ rời trận địa”.

Nằm lại trong đất, sống mãi trong tim người ở lại

Sau trận đánh vào đêm 27/1-/973 của Tiểu đoàn 7 tại Long Mỹ, thi hài liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư không được tìm thấy. Đến năm 1975, gia đình mới nhận được giấy báo tử, vẻn vẹn với thông tin anh hy sinh tại mặt trận phía Nam. Ngay cả một tấm ảnh chân dung làm ảnh thờ cho liệt sĩ cũng không có.

Sau ngày đất nước thống nhất, mãi đến năm 2011, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xuân Thư mới được quy tập về nghĩa trang quê nhà Thanh Chương, trong vòng tay của mẹ già và đồng đội cũ.

“Tôi còn nhớ mãi trận đánh Tống Binh, mùa mưa năm 1968 vào căn cứ Lữ dù 101 của ngụy tại Phú Yên. Lúc đó mới qua tổng tấn công nổi dậy xuân 1968 nên quân thiếu, vũ khí thiếu; đơn vị chúng tôi bị Lữ dù 101 đổ quân bao vây. Anh Thư bấy giờ còn là cán bộ đại đội, mũi tấn công của chúng tôi chỉ có 6 đồng chí được giao nhiệm vụ đánh vào sở chỉ huy địch. Vũ khí chỉ có mỗi người một khẩu AK và vài quả lựu đạn. Mới đánh được vòng ngoài sở chỉ huy thì 2 đồng chí trúng lựu đạn địch hy sinh, tôi thì bị thương. Nhưng anh Thư và hai đồng chí còn lại vẫn dũng cảm đánh chiếm được sở chỉ huy địch. Mặc dù, sau đó địch đã chiếm lại được sở chỉ huy nhưng trận đánh đã phá được vòng vây của quân địch.” - Anh hùng LLVTND Hoàng Đình Kiền, quê Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhớ lại.

Từ đó đến nay, những trang viết về anh – như cuốn sách “Những chặng đường chinh chiến” – vẫn tiếp tục được gìn giữ, trao tặng cho thế hệ sau như một phần ký ức thiêng liêng của Trung đoàn 10 anh hùng.

Anh chưa từng được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND – điều mà đồng đội, chỉ huy và nhiều thế hệ chiến sĩ Trung đoàn vẫn luôn tha thiết đề nghị. Nhưng với những người từng vào sinh ra tử cùng anh, thì danh hiệu cao quý nhất chính là việc họ còn nhớ tên nhau, kể về nhau, và truyền lại hình ảnh người chỉ huy trẻ ấy cho con cháu hôm nay.

"Tuổi 26 – ngắn ngủi và rực rỡ. Một đời lính – ngắn mà sâu. Và khát vọng độc lập, tự do – mãi mãi là lý tưởng không tắt trong trái tim người lính xứ Nghệ ấy"

Cùng chuyên mục

Ông thương binh 'say hi' cùng doanh nghiệp vượt ngàn chông gai
Đi qua khói lửa chiến tranh, nhiều người lính trở về cuộc sống đời thường vẫn mang trong mình nhiều thương tật. Vượt qua những mất mát, họ càng phát huy hơn nữa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, năng động phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương.
Người sáng lập và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam
Đến nay, những lời dạy của Người về báo chí vẫn là tài sản quý đối với nền báo chí cách mạng nước nhà. Người chỉ rõ: Công việc viết báo và làm báo là “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự Nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”...
Thương binh được Tổng thống Pháp hỏi kinh nghiệm nuôi tôm
Anh hùng Lao động, thương binh Trần Hồng Quảng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp của Thương binh và Người khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Xí nghiệp Quang Minh là tấm gương sáng ngời với nghị lực phi thường.

Tin mới