Thứ sáu, 14/02/2025 17:41 (GMT+7)

Đề xuất miễn trách nhiệm người đứng đầu khi làm 'siêu dự án' đường sắt

Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là chính sách chưa có tiền lệ, do vậy trường hợp cần thiết Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

tm-img-alt
Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Lý do cần thiết làm đường sắt mới

Chiều 13/2, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh cho biết, hệ thống đường sắt hiện tại đã lạc hậu sau hơn 100 năm xây dựng, trong khi đất nước đang tăng trưởng kinh tế nhanh và bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Vì vậy, cần đầu tư các công trình đường sắt hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.

tm-img-alt
Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt chính có chiều dài khoảng 390,9 km, cùng ba tuyến nhánh dài 27,9 km. Tuyến đường sắt mới sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn điện khí hóa, khổ 1.435 mm, phục vụ cả vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tổng nhu cầu sử dụng đất sơ bộ khoảng 2.632 ha, với khoảng 19.136 người thuộc diện tái định cư.

Chính phủ đề xuất thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công với tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 200.000 tỷ đồng (khoảng 8,3 tỷ USD). Nguồn vốn bao gồm ngân sách Nhà nước (trung ương, địa phương), nguồn vốn trong nước, vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về tiến độ, Chính phủ đề xuất lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2030.

Để triển khai dự án, Chính phủ đề xuất áp dụng 19 chính sách đặc thù theo thẩm quyền của Quốc hội, trong đó có 15 chính sách từng áp dụng cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và 4 chính sách mới.

Cần làm rõ các loại hành vi được miễn trừ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả các dự án đường sắt dự kiến đầu tư, đồng thời xem xét kỹ phương án tài chính và các tác động trong quá trình vận hành để giảm thiểu rủi ro.

tm-img-alt
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Về nguồn vốn, ông Thanh cho biết, các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian qua và được cấp có thẩm quyền xem xét. Do đó, kiến nghị của Chính phủ có cơ sở, tuy nhiên cần đảm bảo cân đối vĩ mô và an toàn nợ công trong quá trình thực hiện.

Đối với các chính sách đặc thù, đặc biệt, cơ quan thẩm tra nhận định đề xuất của Chính phủ là cần thiết. Tuy nhiên, liên quan đến chính sách miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ tham gia dự án, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Một số ý kiến cho rằng, với tiến độ cấp bách của dự án, có thể xảy ra những bất cập chưa thể đánh giá trước được. Việc miễn trừ trách nhiệm có thể bảo vệ cán bộ có tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, cần làm rõ phạm vi đối tượng, các hành vi được miễn trừ, đồng thời xác định yếu tố lỗi vô ý, không vụ lợi và trách nhiệm cụ thể được miễn trừ.

Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng pháp luật hiện hành đã quy định về miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ, đồng thời có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Dự án triển khai trong thời gian gấp nhưng vẫn tuân thủ quy trình pháp luật. Việc áp dụng cơ chế miễn trừ có thể tạo ra sự bất bình đẳng đối với các cán bộ tham mưu cho các dự án tương tự, do đó không cần thiết.

“Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là chính sách chưa có tiền lệ, do vậy trường hợp cần thiết Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Thanh nói.

Cùng chuyên mục

Tin mới