Thứ năm, 13/02/2025 15:51 (GMT+7)

Thủ tướng: Pháp luật cần có quy định bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm

Ngay sau phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận tổ 8 gồm đại biểu Quốc hội các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Cần Thơ, Kon Tum, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các nguyên tắc quan trọng trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng thời làm rõ một số điểm mới trong các dự thảo luật trình Quốc hội.

tm-img-alt
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nguyên tắc trong sửa đổi, hoàn thiện các luật, một số điểm mới trong các dự thảo luật được trình Quốc hội.

Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình phát triển, luôn xuất hiện những mâu thuẫn mới, đòi hỏi phải được giải quyết để tiếp tục tiến lên. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung các luật là cần thiết, yêu cầu đặt ra là đảm bảo quy định đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với thực tiễn.

Hiện nay, đất nước đang triển khai cuộc cải cách lớn về tổ chức, bộ máy, hướng tới tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tinh giản biên chế, sắp xếp và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đây là chủ trương lớn của Đảng, dự kiến hoàn thành trong tháng 2 để từ tháng 3 bắt đầu vận hành mô hình mới, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp. Việc đưa vào vận hành sẽ có cả thuận lợi lẫn khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi phải linh hoạt xử lý.

Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc vận hành bộ máy phải rõ vai trò, trách nhiệm. Cơ quan nào làm tốt nhất thì giao nhiệm vụ đó, phân định chặt chẽ giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp để dễ dàng đánh giá trách nhiệm. Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát. Địa phương phải chủ động quyết định, triển khai và chịu trách nhiệm, đồng thời cần giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

Về quy trình xây dựng pháp luật, Thủ tướng cho biết sự phối hợp giữa các cơ quan đang chặt chẽ, nhưng cần làm rõ hơn vai trò của cơ quan trình Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Khi có ý kiến khác biệt giữa hai bên, sẽ xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện. Mục tiêu là xác định rõ trách nhiệm từng bên, đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả.

tm-img-alt
Thủ tướng khẳng định, hiện quy trình phối hợp giữa các cơ quan đang rất tốt, chặt chẽ, hiệu quả, song khi trình một đề án, dự án luật ra Quốc hội thì phải làm rõ hơn nữa cơ quan trình Quốc hội và cơ quan thẩm tra.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc xây dựng chính sách phải phù hợp với thực tiễn, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động nhanh chóng. Thực tế đã cho thấy nhiều bài học quan trọng từ phòng chống dịch COVID-19, hay ứng phó với cơn bão Yagi (bão số 3 năm 2024), khi nhiều quyết sách phải đưa ra trong thời gian rất ngắn, đòi hỏi sự linh hoạt cao.

Theo đó, những nội dung đã được thực tế chứng minh hiệu quả thì cần nhanh chóng luật hóa. Những vấn đề còn chưa rõ ràng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, cần giao quyền chủ động cho cơ quan hành pháp để kịp thời xử lý và báo cáo lại Quốc hội.

Về giá trị pháp quy của nghị quyết Chính phủ, Thủ tướng cho biết trước đây nghị quyết có giá trị như văn bản quy phạm pháp luật, nhưng sau này chỉ có nghị định được ban hành theo trình tự rút gọn mới có giá trị pháp quy. Thực tế cho thấy, khi có tình huống đặc biệt cần quyết định ngay, nghị quyết của Chính phủ phải có giá trị pháp quy để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.

Thủ tướng nêu nhiều ví dụ từ thực tiễn, cho thấy quy định pháp luật cần có tính linh hoạt, cho phép thí điểm để đánh giá trước khi luật hóa. Luật cần tạo dư địa cho cơ quan hành pháp, đồng thời bảo vệ những người đổi mới, sáng tạo, tránh tâm lý sợ trách nhiệm. Cần vừa khuyến khích đổi mới, vừa phòng chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích chung.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh các quy trình ra quyết định phải nhanh chóng, kịp thời, đề cao sự quyết đoán. Cùng với việc lấy ý kiến người dân khi xây dựng luật, cần tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn.

Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp bão Yagi ở Lào Cai, khi trưởng thôn Kho Vàng đã chủ động di dời dân để tránh nguy cơ sạt lở. Nếu người dân an toàn, đó là quyết định sáng suốt, nhưng nếu có sự cố xảy ra, trưởng thôn có thể bị quy trách nhiệm. Điều này cho thấy luật pháp cần có quy định bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm vì lợi ích cộng đồng.

Cùng chuyên mục

Tin mới