Giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng chống tội phạm phi truyền thống
Hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm phi truyền thống hiện nay ở Việt Nam.
Lời tòa soạn: Hiện nay, Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới đang đứng trước những thách thức do tội phạm phi truyền thống gây ra với nhiều hậu quả hết sức nặng nề trên nhiều mặt của đời sống xã hội. Hoàn thiện hệ thống pháp luật thực sự trở nên hết sức cấp thiết mang tính khách quan và cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh tội phạm phi truyền thống. Trên tinh thần đó, Tạp chí Phổ biến pháp luật Việt Nam xin trân trọng giới thiệu bài viết “Hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm phi truyền thống hiện nay ở Việt Nam”của TS. Nguyễn Đình Lục - Chủ tịch Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam.
Tội phạm phi truyền thống (TPPTT) là khái niệm mới dùng để chỉ những tội phạm mới xuất hiện hoặc những tội phạm cũ nhưng đã thay đổi về phương thức, thủ đoạn thực hiện.
Hoạt động của TPPTT gắn liền với việc sử dụng những phương tiện, công cụ của thời kỳ kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Với những phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội mới, tinh vi, có tổ chức, xuyên quốc gia, TPPTT đã gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với lợi ích của mỗi quốc gia, dân tộc.
Đối với Việt Nam, hoạt động của TPPTT trong nhiều năm trở lại đây có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp, đã và đang gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tình trạng tội phạm phi truyền thống ở Việt Nam trong thời gian qua diễn biến rất phức tạp là hệ quả của các yếu tố trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.
Nhìn lại thực tế phát triển của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong những thập niên của cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, chúng ta thấy đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ bắt đầu xuất hiện nhiều loại tội phạm mới - TPPTT. Loại tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp đối với mỗi quốc gia và trên toàn thế giới. Bằng những phương thức thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi, có tổ chức chặt chẽ và hoạt động xuyên quốc gia và vì thế, TPPTT đã và đang gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng cả về tính mạng con người và kinh tế. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ do tổ chức khủng bố Al-Qaeda gây ra đã làm chết 2.996 người, làm bị thương và ảnh hưởng sức khỏe 10.000 người, gây thiệt hại về vật chất lên đến 3,3 tỷ USD[] là một trong số vụ việc gây hậu quả đặc biệt do TPPTT gây ra (Nguồn: https://cand.com.vn/magazine/ tham-kich-11-thang-9-va-cuoc-chien-chong-lai-khung-bo-chua-hoi-ket-va-nuoc-my-i627686.)
Hoạt động của TPPTT, nhìn chung nó gắn liền với việc lợi dụng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trong đó bao gồm sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin trong thời kỳ kinh tế tri thức và toàn cầu hóa. Hoạt động của tội TPPTT không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia mà phần nhiều mang tính chất liên quốc gia, trong khu vực hay trên phạm vi toàn thế giới. Và vì thế hậu quả do TPPTT gây ra không chỉ ảnh hưởng, đe dọa đến sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa của một quốc gia mà ảnh hưởng đến cả khu vực và cho toàn thế giới. Hiện nay, trên thế giới, TPPTT được phân thành các loại như: Tội phạm về môi trường (bao gồm cả tội phạm làm lây lan dịch bệnh cho người và gia súc); tội phạm công nghệ cao; tội phạm tham nhũng; tội phạm rửa tiền, in, lưu hành tiền giả; tội phạm ma túy xuyên quốc gia; tội phạm buôn bán người; tội phạm khủng bố và tội phạm gây mất an ninh, an toàn hàng hải…
Việt Nam chúng ta đang trong quá trình phát triển và đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vì thế TPPTT ở nước ta đang diễn biến phức tạp, cả về hành vi và phương thức hoạt động, đã và đang gây ra nhiều hậu quả hết sức nặng nề và đang có chiều hướng gia tăng. Tính phức tạp của TPPTT ở Việt Nam thể hiện trước hết ở chỗ chúng liên kết với nhau thành các băng nhóm, đường dây và sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội một cách có tổ chức chặt chẽ, hoạt động xuyên quốc gia. Một trong những đặc điểm nổi bật của hoạt động TPPTT hiện nay ở nước ta đó là sự thông đồng cấu kết giữa bọn tội phạm với một số doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng với sự tiếp tay trực tiếp hoặc gián tiếp của một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền để thực hiện hành vi phạm tội.
Nhận diện về TPPTT hiện nay, chúng ta thấy có những đặc điểm khác với tội phạm truyền thống, đó là đối tượng phạm tội phi truyền thống phần lớn là những người có trình độ khoa học, thành thạo trong việc sử dụng công nghệ cao nhất là công nghệ thông tin, thông qua mạng thông tin hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội. Mặt khác, do sử dụng mạng thông tin hiện đại, kẻ phạm tội ít khi lộ diện nên khó bị phát hiện và vì thế rất khó khăn trong việc dự báo về hoạt động của loại tội phạm này. Một đặc điểm khác biệt nữa của TPPTT đó là hoạt động phạm tội của chúng thường được thực hiện trong một hệ thống chặt chẽ, trong một không gian rộng lớn, không chỉ trong một quốc gia mà có thể trên phạm vi toàn cầu, kẻ phạm tội có thể mang nhiều quốc tịch khác nhau, dễ dàng tẩu thoát khi bị phát hiện. Chính đặc điểm này đã và đang đặt ra đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ trong đấu tranh phòng chống TPPTT.
Trong mối liên hệ này, để kịp thời phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với loại TPPTT, nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam đã nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Đối với Việt Nam pháp luật về đấu tranh phòng chống TPPTT là một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật hiện hành và ngày càng phát huy hiệu lực trong việc đấu tranh phòng chống TPPTT ở nước ta.
Từ nghiên cứu đặc điểm hoạt động của TPPTT, chúng ta thấy công cụ quan trọng nhất trong phòng chống loại tội này đó chính là hệ thống pháp luật được hoàn thiện và có tính dự báo cao. Tính dự báo của pháp luật về đấu tranh chống TPPTT càng cao nhất là mặt khách thể, mặt khách quan và chủ quan của tội phạm sẽ giúp cho các cơ quan chức năng chủ động hơn và có nhiều phương án hơn trong phòng, chống TPPTT.
Nghiên cứu hệ thống pháp luật Việt Nam trong thời gian qua, chúng ta thấy pháp luật về phòng chống tội TPPTT đã được chú trọng và trở thành một bộ phận quan trọng hợp thành hệ thống pháp luật của nhà nước Việt Nam, trở thành công cụ pháp lý quan trọng, mang lại hiệu quả trong quá trình đấu tranh chống tội phạm nói chung và đấu tranh phòng chống TPPTT nói riêng ở nước ta trong thời gian qua. Nghiên cứu chính sách pháp luật cụ thể trong cuộc đấu tranh chống loại tội phạm này, chúng ta thấy rằng hệ thống pháp luật về phòng chống TPPTT, đã nhận diện đúng tính chất, đặc điểm của từng loại tội danh và từ đó xác định chế tài phù hợp, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa, trừng trị thích đáng đối với các hành vi phạm tội cụ thể trong nhóm TPPTT ở nước ta.

Bài 1: Tội phạm về môi trường
Trong nhiều năm qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến rất phức tạp, phổ biến trên nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội. Tội phạm môi trường đã làm gia tăng nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, chất lượng môi trường suy giảm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước. Hoạt động của tội phạm về môi trường xuất hiện nhiều sau khi chúng ta thực hiện chính sách mở cửa, chú trọng thu hút vốn đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, lợi dụng một số quy định chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước, cùng với nhiều doanh nghiệp trong nước đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường ở nước ta.
Theo quy định tại Chương XIX Bộ Luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi Bộ Luật Hình sự 2017 quy định về các tội phạm về môi trường tội phạm về môi trường bao gồm: Tội gây ô nhiễm môi trường; Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; Tội hủy hoại rừng; Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại
Theo số liệu thống kê cho thấy tình hình tội phạm về môi trường diễn ra có xu hướng ngày càng tăng, chỉ tính từ đầu năm 2010 đến giữa năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 170.875 vụ vi phạm pháp luật về môi trường. (Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-toi-pham-va-vi-pham-phap-luat-ve-moi-truong-trong-giai-doan-hien-nay--mot-so-nguyen-nhan-va-giai-phap-65001.htm).
Trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, theo thống kê sơ bộ, mỗi năm bình quân xảy ra 7.000 - 8.000 vụ phá rừng, làm mất gần 6.000ha/năm. Theo tính toán của các cơ quan quản lý Nhà nước, thiệt hại do ô nhiễm môi trường mỗi năm ở nước ta tương đương với 5% GDP. Theo đánh giá của cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ( EIA), tội phạm môi trường (TPMT) là một trong những hình thức tội phạm thu lợi nhuận lớn nhất, lên tới hàng chục tỉ đô la mỗi năm, gây hậu quả nghiêm trọng về tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, suy thoái đất, tài nguyên nước, môi trường biển… làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. Đây thực sự là vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi phải có sự hợp tác và nổ lực chung của cả cộng đồng quốc tế.
Trong hệ thống pháp luật của nước ta, pháp luật về bảo vệ môi trường đã được Nhà nước ta rất quan tâm và đang không ngừng được hoàn thiện.

Về chính sách chung mang tính định hướng và nguyên tắc chung đã được xác định tại Điều 63 của Hiến pháp 2013:
“1. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”
“2. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường; phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo”
“3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”.
Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường gồm 16 chương với 171 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Cùng với Luật Bảo vệ môi trường, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 04 nghị định, 10 thông tư hướng dẫn thi hành.
Trong Bộ Luật Hình sự hiện nay của nước ta, tội phạm về môi trường đã được quy định cụ thể tại chương XIX - Các tội phạm về môi trường, gồm 13 điều. Từ Điều 235 đến Điều 246, đã quy định rõ trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội đối với môi trường.
Có thể nói, các văn bản trên đã tạo nên một hệ thống luật và văn bản quy phạm, tạo cơ sở pháp lý tương đối đồng bộ trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường, góp phần tích cực trong việc bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình vi phạm pháp luật về môi trường vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên nhiều lĩnh vực: Công nghiệp; nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản; tài nguyên khoáng sản, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; xây dựng, đô thị, giao thông vận tải; thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu…Hiện nay, đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), chúng ta cam kết cùng các quốc gia trên thế giới nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu nhưng vẫn còn thiếu các kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện giảm phát thải khí nhà kính một cách đồng bộ, thống nhất từ cấp quốc gia đến địa phương. Về góc độ chính sách, pháp luật, thấy rằng chúng ta đã ban hành và không ngừng hoàn thiện pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ môi trường tuy nhiên các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này còn dàn trải trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Xây dựng… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tồn tại một số khoảng trống pháp lý chưa được quy định cụ thể, chặt chẽ đã ảnh hưởng tới hiệu quả quản lý Nhà nước trong vấn đề kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Trong một số quy định của pháp luật về môi trường còn mang tính nguyên tắc, chưa có sự hướng dẫn rõ ràng dẫn đến chưa bảo đảm tính khả thi trong quá trình áp dụng. Nhiều vấn đề mới phát sinh về bảo vệ môi trường chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh đã tạo cơ hội cho các chủ thể dễ dàng tận dụng để thực hiện các hành vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nghiên cứu thực trạng tội phạm về môi trường hiện nay, chúng ta thấy xu hướng vận động của loại tội phạm này tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng, ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực về môi trường; tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài đang ngày càng gia và Việt Nam dễ trở thành điểm trung chuyển của một số loại TPMT xuyên quốc gia; phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều phương thức, hương tiện để đối phó với cơ quan chức năng…
Từ cách tiếp cận này, chúng ta thấy tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường theo hướng đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, phù hợp với cơ chế thị trường và đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế là một yêu cầu khách quan và mang tính cấp bách. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành, nâng cao giá trị pháp lý là một giải pháp mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao hiệu quả phòng ngừa đấu tranh với tội phạm về môi trường. Mặt khác, về quản lý Nhà nước cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống các quy định xử phạt trong lĩnh vực môi trường theo hướng nghiêm minh, chuẩn xác nhằm bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa và hạn chế tối đa những hành vi vi phạm. Đồng thời, nghiên cứu một cách toàn diện mang tính hệ thống để đưa ra các quy định xử phạt cụ thể để không bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật về tội phạm về môi trường.