Giải pháp nâng cao tính tuân thủ pháp luật của đại lý làm thủ tục hải quan
Hiện nay, có 1.108 doanh nghiệp được công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có 156 đại lý đứng tên trên tờ khai thay cho chủ hàng thực hiện hoạt động XNK, chiếm 14,1% trên tổng số đại lý.
Theo quy định tại Luật Hải quan năm 2014; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, Thông tư số 81/2019/TT-BTC và Thông tư 06/2024/TT-BTC ngày 29/01/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, cơ quan Hải quan tổ chức thực hiện việc thu thập thông tin doanh nghiệp phục vụ việc đánh giá tuân thủ pháp luật Hải quan đối với các doanh nghiệp nói chung và đại lý làm thủ tục hải quan (gọi tăt là Đại lý) nói riêng.
Theo đó, ngoài Doanh nghiệp ưu tiên (mức 1), Hệ thống dữ liệu điện tử của ngành Hải quan sẽ xử lý, tích hợp thông tin hoạt động, thông tin vi phạm của doanh nghiệp để thực hiện đánh giá tự động đối với từng doanh nghiệp theo 05 mức độ từ 1 đến 5 theo thời gian thực hàng ngày. Kết quả đánh giá này để hệ thống xử lý dữ liệu cơ quan Hải quan thực hiện phân luồng kiểm tra đối với tờ khai XNK.
Để doanh nghiệp nâng cao ý thức tự nguyện tuân thủ, chủ động phòng tránh vi phạm pháp luật về hải quan, ngày 15/7/2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1399/QĐ-TCHQ ban hành Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Sau 2 năm triển khai thí điểm, cơ quan hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời cùng xây dựng Kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 285 doanh nghiệp tham gia chương trình trên toàn quốc. Trên cơ sở Chương trình, cơ quan hải quan các cấp đã thực hiện hoạt động hỗ trợ, giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên (DNTV) chương trình. Về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, đã có 118 DN chiếm 40 % trên tổng số DNTV nâng mức độ tuân thủ, 116 DN chiếm 39,3% trên tổng số DNTV giữ mức độ tuân thủ Mức 2, Mức 3.
Theo số liệu thống kê hiện nay, có 1.108 doanh nghiệp được công nhận là đại lý làm thủ tục hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có 156 đại lý đứng tên trên tờ khai thay cho chủ hàng thực hiện hoạt động XNK, chiếm 14,1% trên tổng số đại lý. Trong đó, số lượng tờ khai XNK của đại lý thực hiện là 503.734 tờ khai chiếm 6,11% trên tổng số 8.241.170 tờ khai XNK toàn ngành, với kim ngạch XNK là 26,54 triệu USD, chiếm 5,81% trên tổng số 450,75 triệu USD kim ngạch XNK của toàn ngành.
Qua số liệu thống kê trên Hệ thống quản lý vi phạm, các hành vi vi phạm chủ yếu của Đại ly là không tuân thủ các quy định về thủ tục như không đảm bảo thời gian nộp hồ sơ chứng từ, khai báo sai về tên hàng, mã số, định mức, thuế suất v.v, hành vi không chấp hành quy định về thời hạn lưu giữ hàng hóa trong kho ngoại quan, địa điểm thu gom hàng lẻ…. Đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm được quy định tại Thông tư số 81/2019/TT-BTC và Thông tư 06/2024/TT-BTC ngày 29/01/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 81/2019/TT-BTC
Một số khó khăn, vướng mắc
Một là, Hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn chỉnh do vậy làm ảnh hưởng đến việc thu thập, cập nhật thông tin Đại lý và đánh giá tuân thủ đối với Đại lý;
Hai là, các hoạt động và hình thức trao đổi, tương tác giữa cơ quan Hải quan và Đại lý còn hạn chế, chưa có phần mềm quản lý theo dõi cập nhật toàn bộ những khó khăn, vướng mắc của Đại lý, điều này ảnh hướng đến việc nắm bắt các yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp;
Ba là, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ tuân thủ pháp luật do đó dẫn đến những hành vi không tuân thủ pháp luật hải quan.
Phương hướng, giải pháp trong thời gian tới
Để đảm bảo việc đánh giá tuân thủ đối với Đại lý kịp thời, chính xác, đồng thời nâng cao tính tuân thủ của Đại lý làm cơ sở để thực hiện các chính sách, cơ chế tạo thuận lợi thương mại, công tác quản lý tuân thủ của cơ quan Hải quan cần tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
Một là, thực hiện thu thập thông tin của Đại lý
Thu thập thông tin, xây dựng Hồ sơ quản lý Đại lý từ khi doanh nghiệp được công nhận là đại lý đến việc cấp mã số nhân viên đại lý và thông tin liên quan đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Việc thu thập, cập nhật thông tin Hồ sơ được thực hiện trên cơ sở áp dụng chuyển đổi số, theo đó cần số hóa các chỉ tiêu thông tin liên quan đến quá trình công nhận ĐLLTTHQ; số hóa các chỉ tiêu thông tin liên quan đến các biểu mẫu báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp, các quy trình liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để thông tin được nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.
Triển khai đồng bộ các biện pháp rà soát, thu thập thông tin đối với các tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp xuất nhập khẩu ủy quyền, giới thiệu làm thủ tục vận tải, giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như cá nhân được ủy quyền/giới thiệu làm thủ tục hải quan cho nhiều doanh nghiệp. Phối kết hợp giữa các đơn vị quản lý cấp Tổng cục và các đơn vị hải quan trong việc thực hiện Kế hoạch thu thập xử lý thông tin hàng năm để các đơn vị thu thập, cập nhật thông tin về việc chấp hành chế độ báo cáo của ĐLLTTHQ để phục vụ công tác theo dõi đánh giá được kịp thời.
Hai là, tiếp tục nghiên cứu xây dựng yêu cầu bài toán hệ thống CNTT đáp ứng việc quản lý tuân thủ đối với ĐLLTTHQ
Hệ thống CNTT cần đáp ứng yêu cầu quản lý ĐLLTTHQ theo từng hồ sơ doanh nghiệp, đồng thời tự động đánh giá và đưa ra mức độ tuân thủ đối với từng doanh nghiệp là ĐLLTTHQ.
Ba là, mở rộng đối tượng tham gia Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật là ĐLLTTHQ
Trên cơ sở thông tin Hồ sơ của ĐLLTTHQ, kết quả đánh giá tuân thủ của ĐLLTTHQ, nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật là ĐLLTTHQ, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất các hoạt động hỗ trợ đối với các ĐLLTTHQ để khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tính tuân thủ và hướng đến tự nguyện tuân thủ pháp luật hai quan.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền và kịp thời cảnh báo rủi ro
Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của ĐLLTTHQ về tuân thủ pháp luật và tự nguyện tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan, về chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ để ĐLLTTHQ chủ động phòng tránh vi phạm, tự nguyện nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật.
Bài viết có sử dụng tư liệu tại Hội thảo khoa học“Phát triển đại lý Hải quan: Thực trạng và giải pháp” doTổng cục Hải quan tổ chức ngày 10/10/2024.
Đại lý làm thủ tục hải quan
Theo Điều 20 Luật hải quan 2014 quy định, điều kiện là đại lý làm thủ tục hải quan như sau:
– Điều kiện là đại lý làm thủ tục hải quan:
- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có ngành, nghề kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa hoặc đại lý làm thủ tục hải quan;
- Có nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan;
- Có hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng điều kiện để thực hiện khai hải quan điện tử và các điều kiện khác theo quy định.
– Nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan là công dân Việt Nam đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
- Có trình độ cao đẳng kinh tế, luật, kỹ thuật trở lên;
- Có chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan;
- Được cơ quan hải quan cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.
– Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc công nhận, tạm dừng, chấm dứt hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan; cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan; cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan. Đại lý làm thủ tục hải quan và nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan quy định tại Điều 18 của Luật này.
– Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết trình tự, thủ tục công nhận và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan; thủ tục cấp chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan, cấp và thu hồi mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan.
Đại lý làm thủ tục hải quan là doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện nêu trên, trong phạm vi được ủy quyền theo thỏa thuận trong hợp đồng ký với người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (chủ hàng), thay mặt chủ hàng thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ của người khai hải quan.
Đại lý làm thủ tục hải quan (người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền theo quy định của pháp luật) phải ký hợp đồng đại lý với chủ hàng. Người được cấp mã số nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan thực hiện việc khai và làm thủ tục hải quan trên cơ sở hợp đồng đại lý đã ký với chủ hàng. Đại lý làm thủ tục hải quan chỉ xuất trình hợp đồng đại lý cho cơ quan hải quan để xác định trách nhiệm của các bên khi có hành vi vi phạm pháp luật về hải quan. Người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật của đại lý làm thủ tục hải quan ủy quyền theo quy định của pháp luật thực hiện việc ký tên, đóng dấu trên tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan khi thực hiện các công việc quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Hải quan.
Đại lý làm thủ tục hải quan chỉ được khai và làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng sau khi chủ hàng thông báo cho cơ quan hải quan danh sách đại lý làm thủ tục hải quan được thay mặt chủ hàng để làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của chủ hàng theo quy định tại khoản 6 Điều 14 Thông tư 12/2015/TT-BTC.