Cán bộ không phải chịu trách nhiệm sai phạm trong trường hợp nào?
Nếu vẫn bị yêu cầu thực hiện, cán bộ buộc phải chấp hành nhưng phải báo cáo bằng văn bản cho cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người thi hành sẽ không phải chịu trách nhiệm hậu quả.
Luật Cán bộ, công chức sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 24/6 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Một trong những điểm mới quan trọng của luật là bổ sung danh mục cụ thể những việc cán bộ, công chức không được làm, nhằm đảm bảo kỷ luật hành chính, xây dựng nền công vụ liêm chính, chuyên nghiệp.

Theo quy định mới, cán bộ, công chức không được trốn tránh, né tránh, đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ; gây bè phái, mất đoàn kết nội bộ; tự ý nghỉ việc, bỏ việc; tham gia đình công; phát ngôn, đăng tải hoặc phát tán thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của đất nước, địa phương, đơn vị công tác.
Luật cũng nghiêm cấm mọi hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực thi công vụ. Cán bộ, công chức không được sử dụng trái phép tài sản công, không được lạm dụng chức vụ quyền hạn hoặc khai thác thông tin có được từ công vụ để phục vụ mục đích cá nhân.
Ngoài ra, luật mới quy định cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về dân tộc, giới tính, tuổi tác, tình trạng khuyết tật, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội trong quá trình thi hành công vụ. Đồng thời, cán bộ, công chức không được tham gia sản xuất, kinh doanh hay làm công tác nhân sự trái với các quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và bảo vệ bí mật nhà nước.
Về nghĩa vụ thi hành công vụ, luật sửa đổi xác định rõ cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện; chủ động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong công việc.
Nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức có trách nhiệm báo cáo người có thẩm quyền xử lý, đồng thời phải tuân thủ nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Việc sử dụng tài sản công được giao phải đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, tiết kiệm.
Trong trường hợp nhận được lệnh trái pháp luật, cán bộ, công chức phải báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định. Nếu vẫn bị yêu cầu tiếp tục thực hiện, cán bộ, công chức buộc phải chấp hành nhưng đồng thời phải báo cáo bằng văn bản cho cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Khi đã thực hiện đúng trình tự nêu trên, người thi hành sẽ không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của hành vi; người ra quyết định phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm tại cơ quan, đơn vị mình quản lý; đồng thời có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật, tác phong quan liêu, hách dịch, gây phiền hà cho người dân của cán bộ cấp dưới.
Trước khi luật sửa đổi được ban hành, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đã có quy định tương đối rõ ràng về những việc cán bộ, công chức không được làm, được thể hiện trong ba điều luật: 18, 19 và 20. Các hành vi bị cấm theo luật cũ bao gồm trốn tránh trách nhiệm, gây bè phái nội bộ, tự ý bỏ việc, tham gia đình công; sử dụng trái phép tài sản công; lợi dụng quyền hạn để trục lợi cá nhân; phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào; tiết lộ bí mật nhà nước; và tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh trái quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, các quy định trước đây chủ yếu được xây dựng trên cơ sở đạo đức công vụ và nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời rải rác trong các luật chuyên ngành như Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vì vậy, dù có cơ sở pháp lý, hệ thống quy định trước vẫn mang tính khái quát, chưa theo kịp các tình huống mới nảy sinh trong môi trường công vụ hiện đại.
Luật sửa đổi năm 2024 không phải là lần đầu tiên đưa ra các quy định về hành vi bị cấm, nhưng lần đầu tiên hệ thống hóa một cách đầy đủ, chi tiết và phù hợp với yêu cầu quản lý công vụ trong giai đoạn hiện nay. Luật không chỉ kế thừa các quy định trước mà còn cập nhật những hành vi mới, như phát tán thông tin sai sự thật, lợi dụng mạng xã hội để gây ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan, địa phương; cố tình chậm trễ, né tránh trách nhiệm; không báo cáo khi nhận được lệnh trái pháp luật...
Việc luật hóa rõ ràng và toàn diện hơn các hành vi bị cấm được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; chuẩn hóa đạo đức công vụ; đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý vi phạm, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.