Thông tin toàn cảnh TP Hải Phòng sau khi sáp nhập
Với diện tích sau mở rộng gần 3.200km² và dân số khoảng 4,7 triệu người, Hải Phòng sau hợp nhất với Hải Dương hứa hẹn trở thành một trong những trung tâm phát triển toàn diện, hiện đại và có quy mô ấn tượng trên cả nước.
Căn cứ theo Nghị quyết của Quốc hội về việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh từ năm 2025, đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng sẽ tạo ra một thành phố mới có quy mô hàng đầu cả nước. Sau hợp nhất, Hải Phòng tiếp tục là 1 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.200km², dân số đạt khoảng 4,7 triệu người.
Thành phố mới sẽ có 114 đơn vị hành chính cấp cơ sở, bao gồm 45 phường, 67 xã và 2 đặc khu. Về địa lý, thành phố tiếp giáp với biển Đông và các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh. Vị trí chiến lược này giúp Hải Phòng giữ vai trò trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Với GRDP đạt hơn 658 nghìn tỷ đồng, Hải Phòng hiện xếp thứ ba cả nước về quy mô kinh tế, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Thành phố đóng vai trò động lực tăng trưởng kinh tế cho toàn vùng Bắc Bộ, đặc biệt là các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ lệ trên 74%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 63 triệu đồng/năm, thể hiện mức sống ngày càng được cải thiện rõ rệt.
Hải Phòng cũng là địa phương có sức hút đầu tư lớn với hàng nghìn dự án FDI đang hoạt động, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước về thu ngân sách và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kết cấu hạ tầng giao thông được phát triển đồng bộ với đầy đủ 5 loại hình: cảng biển, đường bộ, hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa.
Ngoài ra, thành phố còn được đánh giá cao về các chỉ số cải cách hành chính, chính sách an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân. Hải Phòng là trung tâm du lịch, thể thao sôi động, giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, từng bước khẳng định vị thế là đô thị hiện đại, toàn diện và có tầm ảnh hưởng khu vực.
Đề án hợp nhất không chỉ mang lại hiệu quả về tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả mà còn tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mô hình quản trị hiện đại, bền vững cho một đô thị trung ương trong giai đoạn mới.