Thứ hai, 12/05/2025 08:39 (GMT+7)

Báo, tạp chí của tổ chức chính trị xã hội tự chủ 100% thì được giữ lại

Ngày 11/5, Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 2, thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dự thảo luật nhằm cụ thể hóa chủ trương sắp xếp lại tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn và hiệu quả.

Tại buổi họp, Ủy ban Văn hóa và Xã hội thống nhất về sự cần thiết ban hành dự thảo luật để thể chế hóa quan điểm của Đảng, đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

tm-img-alt

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Thị Lan. Ảnh: QH

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đỗ Thị Lan nhấn mạnh: “Việc sửa đổi các luật có liên quan bảo đảm sự thống nhất với chủ trương của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và đồng bộ trong hệ thống pháp luật”.

Ủy ban thẩm tra đồng tình với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật, bao gồm 5 điều, trong đó 4 điều sửa đổi một số nội dung trong các luật liên quan và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành. Đồng thời, Ủy ban tán thành việc áp dụng quy trình xây dựng, ban hành theo thủ tục rút gọn.

tm-img-alt
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy thông tin, Nghị quyết 60 Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã thông qua đề án tái cơ cấu, tinh gọn, hợp nhất cơ quan MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng.

Theo đề án, các tổ chức chính trị - xã hội gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ được sắp xếp, hợp nhất vào trực thuộc MTTQ Việt Nam. Dự kiến, sau khi tinh gọn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ có khoảng 9-11 thành viên. Toàn bộ các ban, đơn vị tham mưu và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ thuộc quyền quản lý của Ban Thường trực để đảm bảo hoạt động thống nhất và hiệu quả.

Đối với các đơn vị sự nghiệp, phần lớn các trung tâm, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị - xã hội dự kiến sẽ được chuyển giao về địa phương quản lý. Đồng thời, sắp xếp các cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản của các tổ chức chính trị xã hội hiện nay theo hướng giữ lại các đơn vị tự chủ 100%. Báo, tạp chí chưa tự chủ 100% thì giải thể, kết thúc hoạt động.

Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nhấn mạnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng được giao nhiệm vụ sẽ tiếp tục được bảo đảm tính độc lập tương đối, phát huy sự chủ động, sáng tạo, duy trì hiệu quả hoạt động.

Ngoài ra, các tổ chức chính trị - xã hội sẽ tiếp tục tổ chức đại hội, duy trì cơ quan lãnh đạo, các chức danh lãnh đạo theo điều lệ và quy định pháp luật. Mỗi tổ chức vẫn được giữ tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng.

Cùng chuyên mục

Mỗi xã phường sau sáp nhập sẽ có trung bình 60 biên chế
Bộ Nội vụ cho biết, sau khi sáp nhập, mỗi xã phường, đặc khu sẽ có khoảng 60 biên chế, bao gồm cán bộ thuộc khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương. Việc sắp xếp này nhằm tinh giản bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bỏ cấp huyện, người dân làm thủ tục đất đai ở đâu?
Việc sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện không làm thay đổi bản chất các thủ tục đất đai, nhưng có sự điều chỉnh về thẩm quyền, thời gian thực hiện. Người dân vẫn có thể xử lý các thủ tục tại các cơ quan thay thế như văn phòng đăng ký đất đai hoặc UBND xã
Bộ Công an: Xử lý nghiêm quảng cáo sai sự thật
Trước thực trạng người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, Bộ Công an cam kết điều tra, xử lý nghiêm minh mọi vi phạm, không có vùng cấm, đảm bảo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường răn đe trong xã hội.

Tin mới