Thứ bảy, 23/11/2024 18:31 (GMT+7)

Quốc hội yêu cầu tập trung phát triển và cải thiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội

Chiều 23/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về giám sát thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng quỹ phát triển hoặc định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, cần thành lập doanh nghiệp nhà nước chuyên trách đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cùng với việc bố trí nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ các chính sách mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Để đạt được các mục tiêu trên, Quốc hội yêu cầu các địa phương đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Việc phát triển nhà ở xã hội cần dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn, phù hợp với nhu cầu của từng khu vực và địa phương.

Các địa phương phải ưu tiên quỹ đất dành riêng cho phát triển nhà ở xã hội, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng và xét duyệt đối tượng được thụ hưởng chính sách.

tm-img-alt
Nhà ở xã hội tại TPHCM. Ảnh minh họa. 

Theo báo cáo giám sát, từ năm 2015 đến 2023, nhiều gói hỗ trợ vay vốn và ưu đãi phát triển nhà ở xã hội đã được triển khai, mang lại lợi ích cho người lao động và các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Nhiều địa phương đã chủ động bố trí quỹ đất, đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, các bất cập trong hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội vẫn còn tồn tại. Nhiều quy định chưa cụ thể, thiếu tính ổn định, dẫn đến mâu thuẫn và chồng chéo trong triển khai thực hiện. Một số mục tiêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 chưa được hoàn thành.

Tình trạng nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, giá bán cao, cùng với các điều kiện tiếp cận chính sách khó khăn vẫn diễn ra. Đặc biệt, còn có trường hợp người mua hoặc thuê nhà ở xã hội không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội qua các ngân hàng thương mại nhà nước có tỷ lệ giải ngân thấp, chưa thực sự hấp dẫn và hiệu quả. Ngoài ra, việc quy định quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội trong các dự án thương mại chưa phù hợp với thực tế.

Nhiều địa phương chưa chú trọng quy hoạch quỹ đất để làm các dự án nhà ở xã hội độc lập, chưa quan tâm đúng mức đến nhu cầu nhà ở của công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp. Quốc hội nhấn mạnh, việc phát triển nhà ở xã hội cần được ưu tiên hơn nữa, nhằm đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.

Khái niệm nhà ở xã hội (NƠXH) xuất hiện trong Luật Nhà ở năm 2005 với định nghĩa NƠXH là “Nhà ở do Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng để cho các đối tượng quy định tại Điều 53 và Điều 54 của Luật này thuê hoặc thuê mua”.

Chủ trương phát triển NƠXH được luật hóa thông qua Luật Nhà ở (năm 2014) được Quốc hội ban hành và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý NƠXH với các quy định cụ thể về hỗ trợ, ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi thông thoáng cho các tổ chức, nước ngoài tham gia đầu tư phát triển NƠXH. Ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển NƠXH và nhiều văn bản hướng dẫn khác liên quan đến NƠXH.

Từ 1/8/2024, Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực. Các đai biểu Quốc hội và chuyên gia kỳ vọng việc luật có hiệu lực sớm sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội. 

Cùng chuyên mục

Tin mới