Thứ sáu, 22/11/2024 13:53 (GMT+7)

Quốc hội nhất trí thông qua Luật Dược sửa đổi với tỷ lệ đồng thuận cao

Chiều 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

tm-img-alt
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua với kết quả 426/430 đại biểu tán thành, chiếm 88,94%.

tm-img-alt
Chủ tịch nước Lương Cường biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tập trung làm rõ các khái niệm như dược liệu, thuốc cổ truyền và sinh phẩm. Dược liệu được xác định là nguyên liệu làm thuốc có nguồn gốc từ thực vật, động vật, khoáng vật, nấm và đáp ứng tiêu chuẩn làm thuốc.

Thuốc cổ truyền bao gồm các dược liệu phối hợp theo lý luận y học cổ truyền hoặc kinh nghiệm dân gian, chế biến theo phương pháp truyền thống hoặc hiện đại. Sinh phẩm là thuốc được sản xuất từ các chất hoặc hỗn hợp cao phân tử có nguồn gốc sinh học.

Về chính sách dược, Luật quy định bảo đảm cung ứng đủ thuốc chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng và chữa bệnh của nhân dân. Đồng thời, Luật cũng khuyến khích phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn, thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển dược liệu trong nước và ưu đãi đối với các dự án sản xuất thuốc biệt dược, sinh phẩm, và thuốc công nghệ cao.

Các chính sách ưu đãi đặc biệt được áp dụng cho các dự án đầu tư phát triển công nghiệp dược có quy mô lớn, với vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm kể từ ngày cấp phép.

Các dự án này được khuyến khích tập trung vào nghiên cứu và sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu, bảo tồn nguồn gen dược liệu quý hiếm, và nuôi trồng dược liệu tại các khu vực khó khăn.

Luật cũng đặt ra các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của chuỗi nhà thuốc, bao gồm quyền mua nguyên liệu để pha chế và phân phối thuốc trong hệ thống chuỗi, cùng các quy định về luân chuyển thuốc và nhân lực. Ngoài ra, các biện pháp quản lý giá thuốc được quy định rõ ràng, bao gồm đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế, công bố giá bán buôn thuốc dự kiến và các quy định nhằm đảm bảo mức giá phù hợp với thị trường.

Đặc biệt, Luật nhấn mạnh việc giám sát và điều chỉnh giá thuốc để đảm bảo tính minh bạch và tránh tình trạng giá thuốc bị thao túng. Các trường hợp giá thuốc cao bất thường hoặc chênh lệch lớn so với giá quốc tế đều phải được giải trình và kiểm soát chặt chẽ bởi Bộ Y tế.

tm-img-alt
Các đại biểu tiến hành biểu quyết

Theo quy định, Luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, ngoại trừ một số điều khoản về gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, có hiệu lực sớm từ ngày 01/01/2025. Những quy định này được kỳ vọng sẽ khắc phục các khó khăn trong quản lý ngành dược, đảm bảo nguồn cung thuốc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp dược tại Việt Nam.

tm-img-alt
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với tỷ lệ tán thành cao

Cùng chuyên mục

Tin mới