Thứ tư, 07/05/2025 15:00 (GMT+7)

Nghệ An kiểm tra hơn 50 doanh nghiệp khai thác khoáng sản

Tỉnh Nghệ An chính thức thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại 53 doanh nghiệp ở các huyện thị trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 18/4, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1098/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh; đại diện UBND huyện và UBND xã nơi có đối tượng kiểm tra.

Tiếp đó, ngày 29/4, đoàn đã tổ chức công bố Quyết định kiểm tra nêu trên, đồng thời phổ biến mục đích, yêu cầu, nội dung kiểm tra đến các tổ chức được kiểm tra.

tm-img-alt
Sẽ có 53 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi đứng chân trên địa bàn các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa được Đoàn liên ngành kiểm tra.

Về nội dung kiểm tra, đoàn liên ngành sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường, chấp hành thiết kế mỏ, an toàn lao động, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế và pháp luật khác có liên quan của các doanh nghiệp thuộc đối tượng kiểm tra. Niên độ kiểm tra từ ngày 1/1/2020 đến thời điểm kiểm tra.

Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra, báo cáo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt; có quyền yêu cầu các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan làm việc và cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.

Theo Ông Lê Quang Huy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ thực hiện nhiệm vụ trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày công bố Quyết định số 1098/QĐ-UBND.

Theo danh sách ban hành kèm Quyết định số 4098/QĐ-UBND, sẽ có 53 doanh nghiệp khai thác cát, sỏi đứng chân trên địa bàn các huyện Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, thị xã Thái Hòa được Đoàn liên ngành kiểm tra.

Trước đó, những ngày cuối tháng 3/2025, người dân thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn không ngừng túc trực bên bờ sông Lam để phản đối hoạt động khai thác cát sỏi của Công ty Cổ phần khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương.

tm-img-alt
Người dân thôn Tiên Quánh, xã Đồng Văn không ngừng túc trực bên bờ sông Lam để phản đối hoạt động khai thác cát sỏi của Công ty Cổ phần khai thác cát sạn và vận tải Thanh Chương.

Từ phản ánh của người dân và đề nghị của UBND huyện Thanh Chương, ngày 3/4/2025, Tổ công tác liên ngành do Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì đã kiểm tra, xác định có 1.117m2 bãi bồi tiếp giáp mỏ cát UBND tỉnh đã cấp cho Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương có tình trạng sạt lở. Tổ công tác liên ngành sau đó đã đề nghị UBND huyện Thanh Chương, UBND xã Đồng Văn xác minh làm rõ nguyên nhân để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời, yêu cầu Công ty cổ phần Khai thác cát, sạn và Vận tải Thanh Chương thu hẹp diện tích mỏ cát xã Đồng Văn.

Box:

Tội khai thác khoáng sản trái phép hiện nay được quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi điểm a Khoản 54 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017.

Trong đó, quy định rõ người nào vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, ngoài hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xử lý hình sự về Tội khai thác khoáng sản trái phép:

 Đối với pháp nhân thương mại

-  Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này, thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 700.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

- Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 700.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

Mức phạt cao nhất có thể phạt tiền lên đến 7 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.

Cùng chuyên mục

Tin mới