Hoa hậu Thuỳ Tiên bị bắt: Nhiều vấn đề pháp lý cần xem xét đối với người nổi tiếng
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, người từng được công chúng yêu mến vì hình ảnh tích cực, truyền cảm hứng.
Việc hoa hậu Thuỳ Tiên bị bắt không chỉ gây chấn động giới giải trí, mà còn kéo theo nhiều vấn đề pháp lý và đạo đức cần được nhìn nhận thẳng thắn.
Mở rộng điều tra vụ án sản xuất hàng giả là thực phẩm và lừa dối khách hàng liên quan Công ty cổ phần Asia Life và Công ty cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 bị can, trong đó có Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên
Thực phẩm bổ sung Kẹo rau củ Kera là sản phẩm của Nguyễn Thúc Thùy Tiên và các cổ đông Công ty Chị Em Rọt hợp tác làm ăn chung, trong đó Tiên được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận góp vốn, tương đương 30%, các cổ đông còn lại góp 70% cổ phần.
Sau khi ra mắt sản phẩm, Tiên cùng Nguyễn Thị Thái Hằng và Phạm Quang Linh đưa ra các thông tin không đúng sự thật, để phóng đại công dụng của sản phẩm. Tiên biết trên phiếu kết quả kiểm nghiệm kèm theo hồ sơ công bố, thông tin trên nhãn sản phẩm kẹo rau củ Kera thì hàm lượng chất xơ rất thấp, chỉ chiếm 0,935%, không có nhiều tác dụng bổ sung chất xơ cho người kén ăn rau, không biết cụ thể Công ty cổ phần Asia Life sử dụng loại nguyên liệu nào để sản xuất kẹo.
Tháng 2/2025, khi xảy ra tranh luận trên mạng xã hội liên quan hàm lượng chất xơ có trong kẹo Kera, để tránh ảnh hưởng, Tiên đề nghị ký hợp đồng hợp thức về việc hợp tác quảng cáo để loại bỏ vai trò của Tiên với tư cách là cổ đông. Cơ quan công an xác định, Công ty Chị Em Rọt bán được hơn 135 nghìn hộp kẹo Kera với tổng số tiền thu được gần 18.000.000.000 đồng, riêng Tiên được trả tiền hoa hồng gần 7.000.000.000 đồng.
Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên về tội Lừa dối khách hàng, 4 bị can khác bị khởi tố về tội: Sản xuất hàng giả là thực phẩm.

Hoa hậu Thùy Tiên và 4 người liên quan sẽ đối mặt với hình thức xử lý và án phạt nào?
Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố về hành vi quảng bá sai sự thật đối với sản phẩm thực phẩm chức năng Kẹo rau củ Kera đã gây xôn xao dư luận. Đây không chỉ là một vụ án lừa dối khách hàng thông thường, mà còn là hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm pháp lý của người nổi tiếng khi tham gia hoạt động thương mại.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, mặc dù biết rõ sản phẩm có hàm lượng chất xơ rất thấp, không đúng như công dụng được quảng bá, bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên vẫn tiếp tục tham gia truyền thông sai sự thật, góp phần lôi kéo người tiêu dùng tin tưởng và mua sản phẩm.
Đáng chú ý, bà Tiên không chỉ là người đại diện hình ảnh mà còn góp vốn và được chia lợi nhuận 30% từ doanh thu của sản phẩm. Điều này khẳng định vai trò đồng tổ chức sản xuất, kinh doanh, chứ không đơn thuần là người quảng cáo sản phẩm.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc, Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội), cho biết: Hành vi trên của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên có dấu hiệu cấu thành tội "Lừa dối khách hàng" theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, với tình tiết tăng nặng là thu lợi bất chính lớn (gần 7.000.000.000 đồng) và có tổ chức. Khung hình phạt có thể từ 5 đến 10 năm tù.
"Người nào sử dụng các thủ đoạn gian dối trong mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người mua, người sử dụng dịch vụ thì bị phạt cái, phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ..."
Các bị can còn lại liên quan đến quá trình sản xuất hàng giả là thực phẩm, bao gồm việc không công bố rõ ràng nguồn gốc nguyên liệu, sản xuất sai hồ sơ công bố chất lượng. Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Căn cứ Điều 193 Bộ luật hình sự, hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, nếu thu lợi bất chính lớn như trong vụ việc (doanh thu gần 18.000.000.000 đồng), thì mức phạt có thể lên tới 15 năm tù giam. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị: đình chỉ hoạt động; tố cáo truy thu thuế, tiền phạt và buộc bồi thường thiệt hại; cấm hoạt động trong lĩnh vực được phép trong thời gian nhất định.
Ngoài hình phạt chính, các đối tượng còn có thể phải: Hoàn trả lại toàn bộ lợi nhuận bất chính; Bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng nếu chứng minh được hậu quả; Bị cấm hành nghề hoặc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và tịch thu tang vật, phương tiện, đình chỉ doanh nghiệp liên quan.
Luật hoá trách nhiệm người nổi tiếng khi truyền tải thông tin quảng cáo
Vụ án cũng đặt ra vấn đề về trách nhiệm đạo đức của người công chúng. Trong khi pháp luật cho phép người nổi tiếng tham gia kinh doanh, họ vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về chất lượng sản phẩm, quảng cáo và đạo đức nghề nghiệp. Hành vi sử dụng hình ảnh để che giấu vai trò cổ đông không giúp bà Tiên tránh được trách nhiệm trong vụ việc này. Theo quy định tại Luật Quảng cáo 2012, mọi nội dung quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn về công dụng, chất lượng sản phẩm đều bị xử phạt nghiêm khắc, kể cả khi người quảng cáo có phải là người nổi tiếng hay không.
Pháp luật Việt Nam không cấm người nổi tiếng tham gia kinh doanh, nhưng đặt ra yêu cầu về trung thực, minh bạch và tuân thủ các quy định về quảng cáo, an toàn thực phẩm. Khi vi phạm, không chỉ tổn thất hình ảnh cá nhân mà còn có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự nghiêm trọng.
Vụ án liên quan đến bà Nguyễn Thúc Thùy Tiên và các cá nhân tại Công ty Chị Em Rọt, Công ty Asia Life là một vụ án điển hình về gian dối trong hoạt động thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm chức năng. Với những chứng cứ hiện có, việc xử lý nghiêm minh là cần thiết nhằm tăng tính răn đe, đồng thời gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến các doanh nghiệp, người nổi tiếng: trách nhiệm pháp lý không bao giờ được xem nhẹ và không ai được đặt ngoài vòng pháp luật.
Hiện nay, Quốc hội cũng đang thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó đề xuất tăng trách nhiệm với người quảng cáo, đặc biệt là người nổi tiếng, người có ảnh hưởng.
Dự luật lần đầu đưa ra định nghĩa chính thức về "người có ảnh hưởng", gồm chuyên gia, người có uy tín hoặc cá nhân được xã hội quan tâm trong các lĩnh vực cụ thể. Khi quảng cáo, những người này phải kiểm chứng độ tin cậy và xem xét tài liệu liên quan đến sản phẩm, dịch vụ; đồng thời có nghĩa vụ thông báo rõ với người tiêu dùng rằng mình đang quảng cáo. Nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ, họ không được phép giới thiệu sản phẩm.
Tại kỳ họp lần thứ 9 Quốc hội khoá XV đang diễn ra, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến khái niệm “người truyền tải quảng cáo”, trong đó có “người có ảnh hưởng” – một đối tượng đang chi phối mạnh mẽ hành vi tiêu dùng nhưng hiện lại chưa được định nghĩa rõ ràng trong luật.
Dẫn ví dụ thực tiễn, ông An nêu rõ: “Hiện tượng người nổi tiếng như hoa hậu, ca sĩ, diễn viên, thậm chí là người gây chú ý bằng scandal, có khối lượng người theo dõi trên mạng xã hội lớn, tham gia quảng cáo sản phẩm mà không có bất kỳ hiểu biết hay chuyên môn nào hiện nay phổ biến”. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn và gây hệ lụy cho người tiêu dùng.
Vì vậy, ông An đề nghị quy định rõ điều kiện, tiêu chí để một người được coi là “người truyền tải quảng cáo”, theo hướng phải có chuyên môn hoặc năng lực liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất làm rõ quyền và nghĩa vụ của người có ảnh hưởng trong luật, thay vì chỉ quy định chung chung như hiện nay.
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định đối với “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” nhằm mục đích giải quyết vấn đề thực tiễn nhiều đối tượng lợi dụng người có ảnh hưởng để chuyển tải quảng cáo sai sự thật trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, ngoài ra còn điều chỉnh cả những người sử dụng các hình thức chuyển tải quảng cáo trực tiếp.
Để hoàn thiện thuật ngữ này, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã làm rõ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” bảo đảm bao quát thực tiễn, tương thích với nội dung giải thích các thuật ngữ “người quảng cáo”, “người kinh doanh dịch vụ quảng cáo”, “người phát hành quảng cáo”; chỉnh lý thuật ngữ “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” theo hướng điều chỉnh 2 loại đối tượng: Một là, người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng; hai là, người trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc các hình thức khác theo quy định của Chính phủ.
Đối với đối tượng là người trực tiếp quảng cáo trên mạng, dự thảo Luật bổ sung hoàn thiện khái niệm, không chỉ “quảng cáo” mà còn khuyến nghị, xác nhận. Điều này nhằm tránh trường hợp người chuyển tải sản phẩm quảng cáo không thừa nhận hành vi quảng cáo mà chỉ thừa nhận việc thực hiện cung cấp thông tin đơn thuần về sản phẩm, dịch vụ hoặc nêu ra trải nghiệm của mình với sản phẩm, dịch vụ để né tránh bị xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước...