Thứ năm, 24/07/2025 15:57 (GMT+7)

Sập sân khấu gây tai nạn: Ai phải chịu trách nhiệm?

Lâu nay, tại các tỉnh thành phố lớn không ít lần xảy ra sự cố sập sân khấu biểu diễn ngoài trời cũng như trong hội trường, nhà hàng, khách sạn. Có những vụ gây tai nạn đối với người tham gia, thậm chí cả nghệ sỹ biểu diễn.

Các sự cố tai nạn xảy ra trong các trường hợp sập sân khấu, hội trường, hội nghị, lễ hội là điều vô cùng đáng tiếc, không ai mong muốn, dù là đối với người bị nạn hay là với những người có trách nhiệm liên quan. Mặc dù vậy, bất kỳ vụ tai nạn nào cũng phải được xem xét theo góc độ pháp lý. Cơ quan chức năng phải vào cuộc để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan.

Đặc biệt, những vụ việc gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, cơ quan công an phải điều tra cực kỳ thận trọng và kỹ lưỡng. Khi nhận thấy có sai phạm trong các sự cố này, cơ quan pháp luật sẽ phải ban hành các quyết định từ xử lý hành chính cho đến trách nhiệm hình sự nếu có.

Hai vụ việc xảy ra gần đây được dự luận biết đến là vụ sập sân khấu đại nhạc hội Superfest 2025 tại Quảng trường Sun Carnival (ngày 19/7, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) và sập hệ thống khung treo kim loại trong lễ cưới tại Khách sạn Sheraton Hà Nội West (số 36 Lê Đức Thọ, Mỹ Đình 2, phường Từ Liêm, TP Hà Nội) ngày 15/3.

Sân khấu đại nhạc hội Superfest 2025 tại Quảng Ninh được dựng ngoài trời và sự cố xảy ra đúng thời điểm mưa lớn, gió lốc giật mạnh. Công ty CP Sự kiện và Truyền thông Việt 21, Ban tổ chức chương trình đã phải thông báo tạm hoãn, dời ngày tổ chức đại nhạc hội Superfest 2025. Vụ việc không gây thiệt hại về người.

Còn sự cố tại Khách sạn Sheraton Hà Nội West, xảy ra khi một lễ cưới đang được Công ty TNHH MHS Planner Việt Nam tổ chức với quy mô lớn. Khung treo kim loại ở hội trường lễ cưới sập xuống khiến một phụ nữ trẻ bị thương rất nặng. Theo Thông báo kết luận giám định của Cơ quan cảnh sát điều tra (Công an TP. Hà Nội) tổn thương của chị Phạm Thị Phương D. (bị khung kim loại đổ trúng) tại thời điểm giám định là 96%.

tm-img-alt

Sân khấu cho bán kết và chung kết Miss Cosmo 2024 tại TP. Hồ Chí Minh bị sập cuối năm ngoái 2024

Người thân của nạn nhân cho biết, chị D. đang phải chịu tổn thương vô cùng nặng nề. Chồng của nạn nhân đã gửi đơn đến cơ quan pháp luật đề nghị giải quyết nhưng đến nay đã gần 4 tháng gia đình sống trong đau khổ, vẫn chưa biết ai là người phải chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn này.

Vậy việc xử lý trách nhiệm trong các sự cố ở hội trường, sân khấu được thực hiên ra sao? Trong các vụ sập sân khấu gây tai nạn về người và tài sản như vậy, việc thi công lắp đặt hội trường, sân khấu có bị coi là có sai phạm hay không và ai là người phải chịu trách nhiệm?

Để xác định trách nhiệm của người liên quan, theo nguyên tắc, phải có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền để biết được nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố nói trên. Khi xác định được lỗi ở đâu, vi phạm thế nào và thuộc về ai thì mới có thể xem xét trách nhiệm để xử lý.

Nhìn chung, một số vấn đề pháp lý có thể xem xét đối với các sự cố công trình, nhà cửa, kho xưởng, sân khấu:

Trước hết, sân khấu ngoài trời và trong nhà trong tuỳ từng vụ việc có là công trình xây dựng hay không? Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 1 Luật xây dựng sửa đổi 2020 quy định: Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.

tm-img-alt
Sân khấu đại nhạc hội Superfest 2025 tại Quảng Ninh được đơn vị tổ chức lý giải là do mưa to gió lớn, ảnh hưởng của bão

Tiếp đến, nếu là công trình xây dựng, sẽ xem xét tính hợp pháp khi xây dựng công trình. Công trình được xây dựng, lắp đặt đã được cấp phép đủ điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền hay chưa, trừ trường hợp không phải xin phép theo Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi Khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020. Nếu thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng nhưng chủ đầu tư xây dựng không xin phép là vi phạm pháp luật về xây dựng.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đầu tư xây dựng theo Điều 12 Luật Xây dựng 2014  có cụm từ này bị thay thế bởi điểm a khoản 1 Điều 57 Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn 2024  và điểm c khoản 64 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020, trong đó có các hành vi sau:

- Quyết định đầu tư xây dựng không đúng với quy định của Luật Xây dựng 2014

- Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng 2014

- Xây dựng công trình không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được lựa chọn áp dụng cho công trình

- Sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng gây nguy hại cho sức khỏe cộng đồng, môi trường

- Vi phạm quy định về an toàn lao động, tài sản, phòng, chống cháy, nổ, an ninh, trật tự và bảo vệ môi trường trong xây dựng

-  Sử dụng công trình không đúng với mục đích, công năng sử dụng; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Điều 119 Luật Xây dựng 2014 về Sự cố công trình xây dựng

2. Khi phát hiện, được thông báo về sự cố công trình, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau:

b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình.

3. Công trình có sự cố chỉ được thi công xây dựng hoặc tiếp tục vận hành, khai thác sử dụng khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết sự cố cho phép.

4. Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu chi phí có liên quan, bị xử lý vi phạm hành chính; cá nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Khi có sự cố sập công trình xây dựng, để biết "Sập công trình ai chịu trách nhiệm?”, còn phải phụ thuộc vào việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức giám định nguyên nhân sự cố, từ đó xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra sự cố.

Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố sập công trình phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu chi phí có liên quan, bị xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, cá nhân gây ra sự cố còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 hoặc Điều 281 của Bộ luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mội người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:

a) Là người có chức vụ, quyền hạn;

b) Làm chết 2 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 20 năm:

a) Làm chết 3 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 225 hoặc Điều 281 của Bộ luật này, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm."

Như vậy hành vi vi phạm quy định về xây dựng được quy định trong Bộ Luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là tội phạm nhưng có giới hạn là hành vi vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực về khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liêu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác. Vi phạm về quy định xây dựng còn được quy định ở Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 là vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng hay tại Điều 281 cũng tại Bộ luật này là vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông.

Lỗi của người vi phạm tội này là lỗi vô ý. Người phạm tội khi có hành vi vi phạm quy định về xây dựng không muốn hậu quả xảy ra, có thể là người đó không thấy trước hậu quả hoặc do cẩu thả.

Ở tội danh này, biểu hiện về hành vi khách quan ra bên ngoài rất rộng và kèm theo là gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi khách quan có thể là các hành vi sau

+ Vi phạm quy định xây dựng về khảo sát công trình: Ví dụ như đo đạc chưa chính xác các yếu tố tiền xây dựng như vị trí, độ lún, ...

+ Vi phạm quy định xây dựng về thiết kế công trình: Ví dụ không thực hiện theo thiết kế ban đầu, tự ý sửa đổi, ...

+ Vi phạm quy định xây dựng về thi công công trình: Ví dụ như thi công không đúng tiến độ, không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, ...

+ Vi phạm quy định xây dựng về sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc: Trường hợp này diến ra rất phổ biến có thể thể hiện ở hành vi "rút ruột công trình", sử dụng các nguyên liệu, vật liệu hay máy móc không đúng theo yêu cầu và không đảm bảo chất lượng, ...

+ Vi phạm quy định về giám sát công trình: Ví dụ không thực hiện đúng theo các quy định giám sát chung, lơ là hoặc cấu kết vì lợi ích khác để không thực hiện đúng trách nhiệm giám sát.

+ Vi phạm nghiệm thu công trình: Việc nghiệm thu là bước cuối cùng trong việc thi công xây dựng công trình, mục đích là đánh giá tất cả các hạng mục của công trình, tạo căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền quyết định có nghiệm thu sử dụng công trình này vào đúng mục đích, công năng của nó.

+ Vi phạm các quy định khác về xây dựng: Vi phạm khác là những vi phạm còn lại không bao gồm các vi phạm đã được liệt kê trên.

- Hậu quả: là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, cụ thể là phải gây hậu quả nghiêm trọng được mô tả trong các trường hợp tại các khoản được quy định ở Điều này (có thể là chết người, tổn hại sức khỏe, thiệt hại tài sản, ...)

Bộ Luật dân sự 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

Điều 605. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

tm-img-alt
Nạn nhân trong sự cố ở lễ cưới diễn ra tại Khách sạn Sheraton Hà Nội West (ảnh suckhoephapluat.nguoiduatin.vn).

Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Điều 588 quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Cùng chuyên mục

UBND thành phố không chịu thi hành án, chế tài nào xử lý?
Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Toà án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng.

Tin mới