Nghe điện thoại khi lái xe ô tô có thể bị xử lý hình sự không?
Bạn Thanh Chúc (Sóc Sơn) hỏi: Sử dụng điện thoại trong quá trình lái xe ô tô là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ tai nạn giao thông. Xin hỏi, theo quy định mới hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô sẽ bị xử lý như thế nào?
Cục Cảnh sát giao thông cũng đã ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý theo các chuyên đề trong năm 2025. Theo đó, cảnh sát giao thông toàn quốc sẽ tập trung xử lý 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường sắt, trong đó có nhóm lái xe kinh doanh vận tải sử dụng điện thoại, thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện và không lắp các thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh lái xe.

Theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 nghiêm cấm hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ.
Căn cứ điểm h khoản 5 và điểm b khoản 10 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định về lỗi nghe điện thoại khi lái xe ô tô như sau: Hành vi dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng. Nếu hành vi vi phạm này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 20 - 22 triệu đồng.
Đồng thời, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt nêu trên, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị trừ điểm giấy phép lái xe, cụ thể: Hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô nhưng không gây tai nạn giao thông bị trừ điểm giấy phép lái xe 4 điểm; trường hợp sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô mà gây tai nạn giao thông sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe 10 điểm, căn cứ theo quy định tại điểm b và điểm d khoản 16 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Ngoài ra, nếu điều khiển phương tiện mà sử dụng điện thoại gây tai nạn làm thiệt hại về tài sản, tính mạng, sức khỏe người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với mức phạt tù cao nhất của tội này tối đa lên đến 15 năm tù.