Lộ lọt dữ liệu cá nhân - nguy cơ tội phạm, chiếm đoạt tài sản
Sáng 24/5, tại phiên giải trình về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết việc lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang tạo điều kiện cho tội phạm chiếm đoạt tài sản.
Bộ trưởng Lương Tam Quang nhận định nhận thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hiện nay còn hạn chế. Điều này khiến dữ liệu cá nhân bị sử dụng thiếu kiểm soát, tạo ra những "vùng xám" trong quản lý, dẫn đến nguy cơ bị lộ, lọt và mua bán dữ liệu với số lượng lớn. Đây là yếu tố chính giúp tội phạm xây dựng các kịch bản lừa đảo hiệu quả, tiếp cận nạn nhân dễ dàng hơn.

Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an, phát biểu sáng 24/5. (Ảnh: Phạm Thắng/Vnexpress)
Theo Bộ trưởng, nhiều tổ chức chưa có quy định và chính sách quản lý chặt chẽ, dẫn đến nhân viên có thể truy cập và lấy cắp thông tin khách hàng với độ chính xác cao, sau đó bán cho các nhóm lừa đảo. Tình trạng này diễn ra phổ biến trong các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, điện lực, bảo hiểm và vận chuyển hàng hóa.
Ông Quang nhấn mạnh dữ liệu cá nhân không phải là một loại hàng hóa thông thường, vì nó gắn liền với quyền con người, quyền nhân thân và quyền riêng tư. "Không thể coi dữ liệu cá nhân là hàng hóa tài sản thông thường. Yêu cầu khai thác sử dụng phải đi đôi với bảo vệ ở mức cao nhất", ông nói. Do đó, cơ quan soạn thảo dự luật kiên định quan điểm cấm mua bán dữ liệu cá nhân, vì đây là hành vi xâm phạm quyền con người, quyền định đoạt thông tin của cá nhân khác. Quy định này cũng phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Bộ trưởng cũng cảnh báo rằng nếu không có quy định cấm và chế tài xử lý nghiêm minh, "nhiều thủ đoạn sẽ phát sinh, hình thành chợ đen dữ liệu cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng và tạo nỗi bất an cho người dân".
Đại biểu Trần Kim Yến, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM, cho biết mức xử phạt vi phạm quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân hiện nay còn thấp, chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng của hành vi. Bà đề nghị Chính phủ bổ sung chế tài nghiêm khắc hơn, đặc biệt là trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng tình với quan điểm cấm mua bán dữ liệu cá nhân, bà cũng đề nghị Bộ Công an nghiên cứu và đề xuất bổ sung chế tài hình sự cho các vi phạm này.
Trong bối cảnh nền kinh tế số và xã hội số phát triển, dữ liệu cá nhân đã trở thành nguồn tài nguyên quan trọng. "Chế tài xử phạt nghiêm minh không chỉ giúp bảo vệ người dân mà còn tạo môi trường pháp lý minh bạch, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững", bà Yến nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) cũng nhất trí với việc cấm mua bán dữ liệu cá nhân, đồng thời đề xuất phân loại rõ hành vi mua bán trái phép và mua bán phục vụ các mô hình kinh doanh hợp pháp. Theo bà, dự luật nên nghiêm cấm việc mua bán, chuyển nhượng dữ liệu cá nhân khi thiếu sự đồng ý rõ ràng của chủ thể hoặc nhằm mục đích trục lợi, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân khác.
Bà Nga cho biết nhiều quốc gia trên thế giới có cách tiếp cận linh hoạt hơn. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu không cấm tuyệt đối việc chuyển nhượng dữ liệu, nhưng yêu cầu phải có sự đồng thuận rõ ràng và chủ thể dữ liệu có thể rút lại bất cứ lúc nào. Tại Mỹ, người dùng có quyền từ chối việc bán dữ liệu của mình và doanh nghiệp phải thông báo minh bạch nếu tham gia kinh doanh dữ liệu. Ở Singapore, việc chia sẻ dữ liệu được cho phép khi có mục đích hợp pháp rõ ràng, sự đồng ý của chủ thể và cơ chế phản hồi để truy cập, chỉnh sửa hoặc xóa dữ liệu.
Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào ngày 23/6.