Thứ ba, 25/03/2025 08:48 (GMT+7)

Đề xuất số lượng cấp phó các đơn vị thuộc bộ bình quân không vượt quá 3 người

Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cùng tiêu chí thành lập và số lượng cấp phó tối đa của các đơn vị trực thuộc.

Theo nội dung tờ trình, cơ cấu tổ chức của Bộ bao gồm các Vụ, Văn phòng, Thanh tra, Cục (nếu có) và các đơn vị sự nghiệp công lập.

Dự thảo lần này bổ sung thêm nhiệm vụ trình Chính phủ về các dự thảo nghị quyết và trình Bộ trưởng ban hành thông tư liên tịch với Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Hiện tại, sau quá trình tinh gọn bộ máy, các Bộ và cơ quan ngang Bộ đã không còn duy trì mô hình Tổng cục. Do đó, dự thảo nghị định được chỉnh sửa theo hướng loại bỏ các quy định liên quan đến thẩm quyền thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể Tổng cục và các tổ chức tương đương.

Theo Bộ Nội vụ (đơn vị trực tiếp xây dựng dự thảo), trên cơ sở kế thừa quy định từ Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), dự thảo nghị định quy định Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc, trực thuộc, đảm bảo bình quân không vượt quá 3 người trên mỗi đơn vị.

Việc sắp xếp lại mô hình Tổng cục thành Cục trực thuộc Bộ kéo theo sự thay đổi ở cấp tỉnh. Theo đó, các chi cục khu vực sẽ trực thuộc Cục (thay vì thuộc Tổng cục như trước đây).

Do vậy, dự thảo nghị định đã bỏ quy định về tiêu chí thành lập và số lượng cấp phó của người đứng đầu phòng trực thuộc Chi cục, Cục hoặc Tổng cục trước đây.

tm-img-alt
Bộ Tư pháp.

Một nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo lần này là quy định về tổ chức thanh tra trong cơ cấu của Bộ và cơ quan ngang Bộ.

Theo Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng đề án và báo cáo Bộ Chính trị về phương án tái cơ cấu hệ thống thanh tra ở cấp Trung ương và địa phương. Sau khi Bộ Chính trị ban hành kết luận, việc tổ chức thanh tra sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật về thanh tra.

Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền quyết định và khi Luật Thanh tra chưa được sửa đổi, dự thảo nghị định tiếp tục duy trì quy định hiện tại nhằm đảm bảo không có khoảng trống pháp lý, đồng thời duy trì đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra.

Bộ Nội vụ cho biết thêm, nếu việc sắp xếp lại bộ máy dẫn đến tình trạng số lượng cấp phó vượt quá quy định, thì trong vòng 5 năm kể từ khi quyết định có hiệu lực, các cơ quan liên quan sẽ phải điều chỉnh số lượng cấp phó để đảm bảo tuân thủ quy định.

Trong trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức lại thanh tra Bộ hoặc thanh tra chuyên ngành, tổ chức thanh tra và các chức năng, nhiệm vụ liên quan sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, cơ cấu tổ chức Bộ và nội dung thanh tra trong nghị định sẽ được điều chỉnh tương ứng với quyết định mới.

Cùng chuyên mục

Báo chí và cuộc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy
Sáng 26/3, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trong buổi làm việc với lãnh đạo 5 cơ quan báo chí chính trị chủ lực nhấn mạnh "tinh thần là tiếp tục rà soát, củng cố để làm tốt hơn nữa công tác sắp xếp bộ máy tổ chức".
Sẽ xóa bỏ nhiều cơ quan thanh tra cấp sở và huyện
Hơn 12 thanh tra bộ, 5 thanh tra tổng cục và cục thuộc bộ, cùng 1.001 thanh tra sở, 696 thanh tra huyện sẽ được tái cơ cấu theo dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Thanh tra Chính phủ gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Tin mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, báo cáo các dự án đầu tư công gặp vướng mắc trước 10/4
Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 26/CĐ-TTg, yêu cầu các bộ ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, cập nhật báo cáo các dự án đầu tư công gặp khó khăn, vướng mắc hoặc tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia