Thứ bảy, 11/01/2025 21:06 (GMT+7)

Bộ Tư pháp : Tiếp tục nghiên cứu xây dựng 5 luật để trình Quốc hội

Sáng 10/1, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp năm 2024. Theo báo cáo tại hội nghị, Bộ Tư pháp dự kiến sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng 5 luật để trình Quốc hội trong các kỳ họp tiếp theo.

tm-img-alt
Quang cảnh hội nghị.

Đến dự hội nghị có bà Phan Thị Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; ông Lê Chí Hướng, Ủy viên Ban chấp hành, Phó Trưởng Ban Tổ chức Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương; bà Trần Thị Kim Anh, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam cùng đại diện Bộ Nội vụ, Cục An ninh chính trị nội bộ A03, Bộ Công an, Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Về phía Bộ Tư pháp, có sự tham dự của ông Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Mai Lương Khôi, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Thanh Tịnh, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; bà Khương Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp cùng gần 400 đại biểu đại diện cho công chức, viên chức, người lao động các đơn vị thuộc Bộ.

Theo Báo cáo tại Hội nghị, năm 2024, Bộ và ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, vượt qua khó khăn, triển khai toàn diện và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

tm-img-alt
Đoàn Chủ tịch Hội nghị gồm Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh và Chủ tịch Công đoàn Bộ Tư pháp Khương Thị Thanh Huyền.

Công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật, tập trung triển khai các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy pháp luật. Bộ cũng đã trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 6 nghị định; tiếp tục nghiên cứu xây dựng 5 luật để trình Quốc hội trong các kỳ họp tiếp theo.

Trong năm 2024, Bộ Tư pháp đã kiểm tra, rà soát 3.040 văn bản, hoàn thành và công bố Bộ pháp điển Việt Nam. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở và đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật tiếp tục được triển khai có trọng tâm, gắn với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Công tác thi hành án dân sự (THADS) đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc, đạt tỷ lệ 83,88%, cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao; thu hồi trên 116.531 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 51,84%, tăng 5,39% so với chỉ tiêu. Công tác theo dõi thi hành án hành chính cũng được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.

Các lĩnh vực khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, quản lý xử lý vi phạm hành chính và hợp tác quốc tế về pháp luật đều đạt kết quả đáng ghi nhận. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở cũng được triển khai nghiêm túc, tạo môi trường làm việc dân chủ, cởi mở hơn trong cơ quan Bộ.

tm-img-alt
Các đại biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị cũng thảo luận về tình hình ngân sách nhà nước năm 2024 và dự toán năm 2025, kết quả thanh tra, giải quyết khiếu nại, công tác cán bộ, nâng cao đời sống người lao động, đề xuất giải pháp cho năm 2025 và phương hướng công tác thanh tra nhân dân.

Cùng chuyên mục

Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8% trong 2025
Ngày 8/1/2025, Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ đã diễn ra trọng thể, mục tiêu hướng tới năm 2025 với phương châm: "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá".

Tin mới

Vừa lái xe vừa xem Google Maps có bị phạt?
Dùng tay cầm và sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đang di chuyển trên đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 6 Điều 9 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.