Đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao của VinSpeed: Góc nhìn chính sách và pháp lý
Đề xuất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam của VinSpeed đang gây chú ý với mô hình tài chính đặc thù và cơ chế pháp lý chưa có tiền lệ. Bài viết phân tích đề xuất dưới góc nhìn Luật Đầu tư, Luật PPP và pháp luật về ngân sách, dân chủ cơ sở .
Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed – một thành viên thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup – đã có văn bản gửi Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, đề xuất được tham gia đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp tư nhân đề xuất đầu tư tuyến đường sắt trọng điểm quốc gia này với mô hình tài chính và cơ chế chính sách tương đối đặc thù.
Tuy nhiên, để có thể triển khai trong thực tế, đề xuất này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền soi chiếu, đánh giá kỹ lưỡng dưới góc độ pháp luật hiện hành – cả về chính sách đầu tư công – tư, chính sách tín dụng lẫn cơ chế dân chủ cơ sở.
Tổng quan đề xuất của VinSpeed
Theo văn bản gửi Chính phủ, VinSpeed đề xuất được làm nhà đầu tư toàn tuyến hoặc từng đoạn của tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Về mô hình tài chính, công ty đề nghị:
• Tự thu xếp 20% vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội hoá (khoảng 12,27 tỷ USD).
• Đề xuất Nhà nước cho vay 80% vốn còn lại thông qua tín dụng từ nguồn ngân sách, tương đương khoảng 49 tỷ USD, thời hạn 35 năm, lãi suất 0%.
• Cho phép doanh nghiệp được phát triển các dự án bất động sản, đô thị, dịch vụ tại các ga, như một hình thức hoàn vốn gián tiếp.
• Kiến nghị các chính sách ưu đãi đặc biệt, như miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị, miễn tiền thuê đất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, và thời hạn hoạt động lên tới 99 năm, hưởng mức giá vé 60 – 75% giá trị tương đương vé máy bay hạng phổ thông.

Góc nhìn pháp lý về cơ chế đầu tư
Hiện nay, việc đầu tư vào dự án hạ tầng giao thông đường sắt tốc độ cao có thể được triển khai theo hình thức đầu tư công, đối tác công tư (PPP) hoặc xã hội hoá toàn phần. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 58/2022/QH15 và Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông quốc gia, tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam được xác định là dự án ưu tiên sử dụng vốn đầu tư công, do quy mô lớn, rủi ro cao, thời gian hoàn vốn dài.
Trong khi đó, đề xuất của VinSpeed không hoàn toàn đi theo mô hình PPP (vốn đã có Luật PPP điều chỉnh), mà nghiêng về mô hình doanh nghiệp tư nhân đầu tư, nhưng đề nghị được Nhà nước cho vay vốn ngân sách ưu đãi. Đây là một mô hình chưa được quy định rõ trong các luật hiện hành (Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật PPP). Nếu muốn triển khai, cần có nghị quyết riêng của Quốc hội hoặc văn bản pháp lý đặc thù tương tự như đối với Dự án sân bay Long Thành trước đây.
Liên quan đến việc cho phép nhà đầu tư phá triển khu đô thị, bất động sản tại các ga trung chuyển là một mô hình phổ biến ở một số quốc gia (Transit-Oriented Development – TOD), nhưng ở Việt Nam, chưa có quy định pháp luật cụ thể cho phép lồng ghép như vậy. Sẽ cần các văn bản quy định cơ chế riêng hoặc thậm chí thí điểm theo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật đầu tư công.
Phân tích chính sách tín dụng theo đề xuất của VinSpeed
Phần trọng tâm và gây nhiều tranh luận nhất trong đề xuất là việc VinSpeed xin vay 80% tổng vốn đầu tư (gần 50 tỷ USD) từ Nhà nước, lãi suất 0%, thời hạn 35 năm.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có cơ chế nào cho phép doanh nghiệp tư nhân được vay vốn ngân sách nhà nước trực tiếp với lãi suất 0%, trừ một số trường hợp vay lại nguồn vốn ODA theo Nghị định 79/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, đó là cơ chế vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài (có quy định rõ lãi suất, bảo lãnh, rủi ro…), và không thể áp dụng cho trường hợp vay từ nguồn lực ngân sách quốc gia nội địa như đề xuất của VinSpeed.
Luật quản lý nợ công không cho phép vay lại với điều kiện không lãi trong thời gian dài như vậy nếu không có quy định riêng từ Quốc hội.
Ngoài ra, Luật Ngân sách nhà nước (Điều 8, Điều 52) cũng không quy định việc sử dụng ngân sách để cho vay trực tiếp doanh nghiệp, trừ khi đó là doanh nghiệp nhà nước phục vụ mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.
Như vậy, đề xuất tín dụng 0% từ nguồn ngân sách Nhà nước cho VinSpeed không có cơ sở pháp lý trong hệ thống luật hiện hành. Để khả thi, cần:
• Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về cơ chế tài chính đặc thù cho dự án.
• Hoặc Chính phủ thiết kế cơ chế “vay lại” từ một nguồn vốn khác (ví dụ phát hành trái phiếu quốc tế, vốn ODA, vốn ngân hàng chính sách…) và ban hành Nghị định hướng dẫn chi tiết.
Vấn đề dân chủ cơ sở và tính khả thi tại địa phương
Đề xuất của VinSpeed có một điểm đặc biệt là xin làm nhà đầu tư các dự án bất động sản, đô thị tại khu vực ga, đồng thời đề nghị Nhà nước hỗ trợ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, những nội dung này liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích của người dân tại địa phương, nơi tuyến đường sắt đi qua.
Theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (Luật số 10/2022/QH15), có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, mọi chương trình, dự án sử dụng đất tại cộng đồng – đặc biệt là thu hồi đất, tái định cư – đều phải được lấy ý kiến người dân, công khai và minh bạch toàn bộ thông tin.
• Khoản 1 Điều 11 của luật quy định rõ: “Nhân dân ở thôn, tổ dân phố được bàn và quyết định trực tiếp bằng hình thức biểu quyết khi Nhà nước triển khai các chương trình, dự án liên quan đến thu hồi đất, tái định cư, thay đổi mục đích sử dụng đất công cộng…”.
• Điều 13 quy định người dân có quyền tham gia ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, tái định cư tại địa bàn cư trú.
Như vậy, để dự án có thể triển khai, cần có quy trình dân chủ cơ sở đúng pháp luật tại từng địa phương, bao gồm: họp dân, lấy ý kiến, ghi nhận bằng biên bản, công khai phương án sử dụng đất. Trong bối cảnh đề xuất của VinSpeed yêu cầu sự hỗ trợ từ Nhà nước về mặt hành chính (thu hồi đất), việc tuân thủ Luật dân chủ cơ sở không chỉ là bắt buộc, mà còn là yếu tố quyết định tính khả thi thực tế của dự án.
Tiềm năng cần đi kèm cơ chế pháp lý minh bạch
Đề xuất của VinSpeed mở ra một góc nhìn mới về huy động vốn tư nhân cho các công trình hạ tầng chiến lược. Tuy nhiên, để đề xuất này thực sự có thể đi vào triển khai, Chính phủ và Quốc hội cần xem xét:
• Có ban hành một nghị quyết đặc thù không?
• Có cần thiết lập một cơ chế tín dụng ưu đãi mới hay không?
• Cần quy định rõ ràng về cơ chế phát triển quỹ đất hoàn vốn tại nhà ga để tránh xung đột lợi ích.
Ngoài ra, cần tách bạch phần đầu tư kết cấu hạ tầng và phần phát triển bất động sản phụ trợ, tránh trùng lặp chức năng giữa khu vực công và tư.
Không chỉ vậy, cần lập Hội đồng thẩm định độc lập gồm các chuyên gia kinh tế - tài chính – kỹ thuật – pháp lý để đánh giá đề xuất của Vinspeed.
Mặt khác, sự tham gia của người dân tại địa phương cũng là yếu tố bắt buộc không thể lược bỏ, bởi đây là yêu cầu pháp lý theo Luật dân chủ cơ sở hiện hành. Trong giai đoạn phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, không chỉ yếu tố tài chính, mà khung pháp lý vững chắc và minh bạch mới là điều kiện tiên quyết để dự án thành công.
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam được coi là dự án trọng điểm có vai trò chiến lược đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Đề xuất của VinSpeed về đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một “cú hích” đáng chú ý trong bối cảnh Việt Nam đang cần đột phá về hạ tầng.
Việc triển khai dự án, lựa chọn nhà thầu và mọi vấn đề liên quan đến cơ chế, pháp lý chắc chắn sẽ được Quốc hội và Chính phủ cũng như các cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Qua đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyết định đúng đắn nhất để đảm bảo thực hiện dự án nhanh nhất, hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.