Thứ hai, 12/05/2025 08:54 (GMT+7)

ĐBQH: Đánh giá cán bộ, công chức cần thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) gồm 7 chương, 52 điều, giảm 35 điều so với hiện hành. Luật sửa đổi hướng tới khắc phục tình trạng cán bộ, công chức làm việc cầm chừng, áp dụng cơ chế đãi ngộ với người tài, siết chặt kỷ luật hành chính.

Theo chương trình nghị sự, sắp tới vào ngày 14-5, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Nổi bật trong dự thảo là các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thống nhất chế độ công vụ từ trung ương đến cấp xã, giải quyết tình trạng phân tán, cục bộ trong quản lý công chức của hệ thống chính trị. Cùng với đó là các quy định cụ thể về tinh giản biên chế, siết chặt kỷ luật hành chính, loại bỏ công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

tm-img-alt

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Quochoi)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, đây là bước đi nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước, thúc đẩy đội ngũ công chức không ngừng rèn luyện và nâng cao trách nhiệm.

Nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình rằng việc sửa đổi luật cần giải quyết triệt để tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, khi quản lý, đánh giá cán bộ dựa trên vị trí việc làm, kết quả công việc sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ông lưu ý, vị trí việc làm cần được xây dựng trên cơ sở đo lường hao phí lao động và mức độ phức tạp của công việc.

Ông Cường ủng hộ quy định người trúng tuyển công chức được bổ nhiệm ngay mà không cần tập sự, nhưng nêu ý kiến rằng: “Phải có thời gian thử việc. Họ là nhân tài nhưng chưa chắc đã phù hợp với vị trí tuyển dụng, có khi rất dở”. Ông đề xuất một giai đoạn thử việc 6 tháng để người được tuyển dụng thích nghi với công việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đánh giá cao cơ chế hợp đồng lao động với chuyên gia, nhà khoa học đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Theo bà, “quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trước đây chúng ta đã từng làm và đạt kết quả tốt”, đồng thời đề xuất xây dựng cơ chế chuyển đổi họ thành công chức sau khi đánh giá hiệu quả công việc.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) nhận định, cơ chế này giúp tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và là tín hiệu tích cực trong việc trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, ông lưu ý cần có quy định chặt chẽ về quyền, nghĩa vụ, giám sát và đánh giá định kỳ để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực, đặc biệt trong việc xử lý vi phạm liên quan đến bí mật nhà nước.

Đánh giá mức độ hài lòng của người dân là tiêu chí bắt buộc

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cho rằng bỏ biên chế cần gắn với công tác đánh giá, thi đua, khen thưởng một cách minh bạch. Theo bà, việc đánh giá cán bộ hiện tại còn yếu, mang tính hình thức. Bà dẫn chứng: “Để tập thể được xếp loại xuất sắc, 90% cán bộ, công chức phải đạt tốt trở lên và không có ai bị kỷ luật. Nếu có một người bị kỷ luật, người đứng đầu không được đánh giá xuất sắc”.

Bà Yến cũng đề xuất nghiên cứu thêm quy định về hạ bậc lương, giáng chức trong một số trường hợp cụ thể. Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) đề nghị bắt buộc đánh giá công chức thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ giải quyết thủ tục hành chính. Theo bà, một số địa phương đã triển khai mô hình khảo sát tại bộ phận một cửa, tạo động lực cho cán bộ phục vụ tốt hơn. “Nếu không có cơ chế đánh giá bắt buộc, khảo sát sẽ bị xem nhẹ và mang tính hình thức”, bà Dung nói.

Bà Dung cũng đề xuất bổ sung tiêu chí đánh giá dựa trên mức độ hoàn thành mục tiêu cá nhân gắn với kế hoạch công tác. Theo bà, việc đánh giá hiện tại còn chung chung, không phản ánh đúng hiệu quả công việc. “Có nơi công chức báo cáo hoàn thành 100% công việc nhưng chất lượng xử lý hồ sơ chưa làm hài lòng người dân”, bà Dung dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh cần quy định rõ phương thức, tiêu chí, cơ chế giám sát việc đánh giá công chức để tránh tình trạng cảm tính, chủ quan. Ông kiến nghị: “Các cơ quan có giao dịch hành chính công phải thực hiện khảo sát mức độ hài lòng thường xuyên của người dân. Đây là cách đánh giá trung thực, khách quan nhất và cần công bố công khai”.

Chế độ đãi ngộ cần linh hoạt, phù hợp thực tiễn

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP.HCM) đề xuất xây dựng chế độ đãi ngộ phù hợp với khối lượng và hiệu quả công việc của cán bộ, công chức. Bà nêu ví dụ tại TP.HCM, trung bình một công chức phục vụ số dân gấp 3,2 lần cả nước nhưng chế độ đãi ngộ không khác biệt. “Nếu như sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, không phải phục vụ nhiều người, lương ít thì không than được”, bà Lan nói, đồng thời nhấn mạnh rằng không thể áp dụng một cơ chế chung cho mọi địa phương mà không phân biệt khối lượng, hiệu quả công việc.

Đại biểu Lê Hoàng Hải (đoàn Đồng Nai) cho rằng dự thảo luật mới chỉ tập trung thu hút người tài vào hệ thống chính trị nhưng chưa làm rõ các cơ chế giữ chân họ. Ông nhấn mạnh, "chế độ đãi ngộ phải tương xứng với năng lực cống hiến". Theo ông, cần có giải pháp để phát huy tài năng trong công vụ, vì không phải trường hợp nào người tài cũng phù hợp với môi trường nhà nước.

Ông Hải nhận định việc thu hút người tài chỉ là bước đầu, quan trọng hơn cả là tạo cơ chế bền vững để họ yên tâm công tác, đóng góp vì sự phát triển đất nước.

Cùng chuyên mục

Sẽ không còn viện kiểm sát cấp cao và cấp huyện
Dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đề xuất mô hình viện kiểm sát 3 cấp, trong đó không còn Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao và cấp huyện, đồng thời tăng số kiểm sát viên tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Thuế thu nhập cá nhân sắp tới sẽ minh bạch, công bằng
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I, Bộ Tài chính khẳng định đẩy nhanh quá trình xây dựng Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới, thay thế luật hiện hành. Dự án này hướng đến đảm bảo tính công bằng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Tin mới