Các đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã sau sáp nhập sẽ hoạt động trước 15/9
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết các đơn vị hành chính cấp xã sẽ đi vào hoạt động trước ngày 15/8 và cấp tỉnh trước 15/9, đảm bảo tiến độ sắp xếp bộ máy hành chính sau sáp nhập, không gây gián đoạn.
Sáng 16/4, Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết hội nghị Trung ương 11 (khóa XIII) tại Hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 21.000 điểm cầu trên cả nước, thu hút sự tham gia của 1,5 triệu đại biểu.

Trong báo cáo chuyên đề sửa đổi Hiến pháp 2013 và pháp luật liên quan, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh rằng công việc sửa đổi cần hoàn tất trước ngày 30/6 để các văn bản có hiệu lực từ 1/7. Ông cho biết: "Các đơn vị hành chính cấp xã sẽ hoạt động trước ngày 15/8, trong khi cấp tỉnh đi vào hoạt động trước ngày 15/9. Công tác sắp xếp bộ máy phải đảm bảo thông suốt, không gây gián đoạn". Các cơ quan chức năng sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể để thực hiện theo đúng lộ trình.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã và chủ trương bỏ cấp huyện đòi hỏi phải sửa đổi Hiến pháp. Những nội dung sửa đổi này tập trung vào hai nhóm chính: các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tinh gọn bộ máy; và các quy định về mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Do phạm vi sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ giới hạn ở 8/120 điều, Quốc hội sẽ ban hành một nghị quyết sửa đổi. Theo kế hoạch, từ ngày 6/5 đến 5/6, các cơ quan chức năng sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi Hiến pháp.
Theo báo cáo từ Chính phủ, chủ trương tiếp tục sắp xếp bộ máy hành chính sẽ ảnh hưởng tới 19.220 văn bản pháp luật ở cả trung ương và địa phương, trong đó có 1.180 văn bản ở cấp trung ương. Nhiều luật quan trọng cũng sẽ phải sửa đổi, bao gồm: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Cán bộ, công chức, và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Mẫn lưu ý, trong quá trình sửa đổi các văn bản pháp luật, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ ràng thẩm quyền giữa trung ương và địa phương, giữa cấp tỉnh và cấp xã. "Cần xác định rõ việc nào của cấp huyện sẽ chuyển về xã hoặc lên tỉnh để tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện", ông nhấn mạnh.
Dự kiến, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thông qua 31 dự án luật, 12 nghị quyết và cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác. Đây được xem là khối lượng công việc lớn nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin về kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Theo đó, cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào chủ nhật, ngày 15/3/2026, sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước đây. Quốc hội khóa XVI dự kiến họp phiên đầu tiên vào ngày 6/4/2026 để kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Số lượng đại biểu Quốc hội sẽ giữ nguyên ở mức 500 người, trong đó ít nhất 40% là đại biểu chuyên trách. Số đại biểu HĐND sẽ được xác định dựa trên quy mô dân số của từng đơn vị hành chính. Điểm mới trong kỳ bầu cử lần này là ưu tiên các ứng cử viên có trình độ khoa học công nghệ hoặc được đào tạo bài bản về pháp luật.