Thứ sáu, 23/05/2025 11:48 (GMT+7)

Việt Nam sẽ xây Trung tâm tài chính quốc tế với những điểm vượt trội ở khu vực

Chiều tối 22/5, tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cần thực hiện với tinh thần "làm là thành công, tới đâu chắc tới đó, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc".

Việt Nam dự kiến phát triển một trung tâm tài chính quốc tế hoạt động tại TP HCM và Đà Nẵng. Theo kế hoạch, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính quốc tế đã qua 29 lần sửa đổi, bổ sung trước khi trình Bộ Chính trị xem xét và Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Sau khi Nghị quyết được thông qua, các nghị định chuyên ngành sẽ được xây dựng để sớm đưa trung tâm vào vận hành.

tm-img-alt

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, ngày 22/5. Ảnh: VGP

Thủ tướng khẳng định tinh thần thực hiện là "vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không quá cầu toàn, nóng vội". Ông nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm phải đảm bảo "làm là thành công, tới đâu chắc tới đó, mang lại lợi ích cho quốc gia và dân tộc". Đây là một trong những giải pháp quan trọng để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế, đạt mục tiêu tăng trưởng hai chữ số trong giai đoạn tới, hướng tới hai mục tiêu 100 năm: trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thủ tướng cho rằng trung tâm tài chính quốc tế cần có môi trường pháp lý cạnh tranh, hạ tầng hiện đại, nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp. Các điều kiện vận hành, quản trị phải hiện đại và phù hợp với thông lệ quốc tế. "Những điểm này phải vượt trội so với các trung tâm tài chính trong khu vực và thế giới," ông nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thêm về các yếu tố như đảm bảo quyền tài sản, tự do sáng tạo trong kinh doanh, và chính sách visa thuận lợi cho các đối tượng cần khuyến khích.

Ông cũng chỉ ra các mục tiêu cụ thể của trung tâm tài chính quốc tế, bao gồm thu hút vốn để phát triển đất nước nhanh, xanh và bền vững, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời cung cấp dịch vụ tài chính hiện đại. Việt Nam sẽ phát triển tiền số, đảm bảo tự do luân chuyển dòng vốn và lợi nhuận hợp pháp phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện trong nước. "Trung tâm tài chính quốc tế là một sân chơi tự do và có lợi, nhưng phải đảm bảo hài hòa giữa các chủ thể, thu hút vốn trực tiếp và gián tiếp vào khu vực Nhà nước và tư nhân," ông nói.

Ông cũng lưu ý rằng việc tự do hóa các hoạt động kinh doanh cần có lộ trình phù hợp với nền kinh tế. Các loại giấy phép chỉ được cắt bỏ hoàn toàn khi đã có quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và tăng cường hoạt động hậu kiểm. Trung tâm tài chính quốc tế cũng cần vận hành theo cơ chế thị trường, tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu, và được quản lý thống nhất với tòa án chuyên biệt.

Trước đó, trong cuộc họp ngày 20/5, các chuyên gia nước ngoài đã góp ý rằng Việt Nam cần chú trọng xây dựng hạ tầng phần mềm, hạ tầng số, đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực để bảo đảm trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM và Đà Nẵng vận hành trơn tru. Mô hình này cũng cần có hệ thống quản lý thống nhất, đồng thời phát huy được lợi thế riêng biệt và đảm bảo sự độc lập giữa hai địa điểm của trung tâm tài chính quốc tế.

Cùng chuyên mục

Tin mới