Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Xóa bỏ tư duy, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân'
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần triệt để xóa bỏ tư duy, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân như những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thúc đẩy khởi nghiệp và làm giàu
Ngày 18/5, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc nhằm quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, cùng với Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.

Hội nghị diễn ra trực tiếp tại tòa nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến với hơn 37.000 điểm cầu, thu hút sự tham gia của hơn 1,5 triệu đảng viên. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo. Tại điểm cầu chính còn có Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác.
Xóa bỏ định kiến, phát huy vai trò kinh tế tư nhân
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề trọng tâm của Nghị quyết 68-NQ/TW, nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân trong gần 40 năm đổi mới. Theo ông, kinh tế tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Từ khoảng 5.000 doanh nghiệp vào năm 1990, đến nay đã có gần 1 triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp khoảng 50% GDP.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những hạn chế: khu vực kinh tế tư nhân chưa phát huy hết tiềm năng, còn nhiều tồn tại như quy mô nhỏ lẻ, tỷ lệ tham gia vào chuỗi cung ứng FDI chỉ đạt 21%, và các vấn đề về tuân thủ pháp luật, minh bạch thông tin, đạo đức kinh doanh.
Thủ tướng khẳng định: "Xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân. Coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực".
Theo ông, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm đột phá, trong đó nhấn mạnh phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững và hiệu quả là nhiệm vụ chiến lược lâu dài.
Ưu tiên biện pháp dân sự, kinh tế trước khi xử lý hình sự
Thủ tướng cũng trình bày 8 nhóm giải pháp lớn để giải quyết các vấn đề cấp bách của kinh tế tư nhân. Ông nhấn mạnh cần đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng dân tộc, bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và thực thi hợp đồng trong khu vực tư nhân.
Ông cũng khẳng định, không phân biệt đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn lực. Đặc biệt, khi xử lý vi phạm, cần ưu tiên các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước khi áp dụng biện pháp hình sự. "Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông đề cập việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Chính phủ sẽ triển khai các chương trình đào tạo nhân lực, tập trung vào đào tạo 10.000 giám đốc điều hành để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi tư duy quản lý, lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Chính phủ bao gồm 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành và địa phương. Các lĩnh vực trọng tâm gồm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí kinh doanh, chuyển đổi số và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân.
Chính phủ cũng sẽ sửa đổi 11 luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp... để phù hợp hơn với yêu cầu phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần thay đổi tư duy hành chính, chuyển từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ thay vì quản lý. Điều này sẽ giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục như cấp quyền sở hữu trí tuệ, thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển.
Ông cũng đặt mục tiêu hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô khu vực và toàn cầu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ phát triển bền vững. "Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo được 10.000 giám đốc có kỹ năng quản trị tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới", Thủ tướng khẳng định.
Qua các giải pháp, Chính phủ kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới.