Tu bổ di tích lịch sử Quốc gia Đền Đuổm xứng tầm giá trị lịch sử
Từ xa xưa, các loại hình tín ngưỡng, thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước xuất đã đi sâu vào văn hoá con người Việt Nam và trở thành một truyền thống tốt đẹp được gìn giữ cho đến ngày nay.
Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc là việc thờ cúng và linh thiêng hóa những nhân vật có công trạng lớn với đất nước và dân tộc. Khi họ qua đời, hậu thế nhớ ơn, tôn thờ là thần, thánh và được người dân thành tâm thờ cúng. Những người có công với đất nước thường được nhà nước phong kiến công nhận chính thức, sắc phong thần và có quy định cụ thể về thiết chế thờ cúng.
Ở Việt Nam, rất nhiều anh hùng dân tộc được nhân dân tôn vinh, thờ phụng, họ là những người yêu nước, thương dân, đánh giặc cứu nước, chữa bệnh, tổ nghề… Tiêu biểu như: thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương (tên gọi chung của 18 đời Vua Hùng trong họ Hồng Bàng), Kinh Dương Vương, An Dương Vương, Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng… Thông qua tín ngưỡng, hậu thế có thể hiểu rõ hơn về công lao to lớn của các vị anh hùng, đồng thời thế hệ sau còn ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Di tích lịch sử Quốc gia đền Đuổm (Phú Lương, Thái Nguyên) là một trong số di tích được tu bổ. Di tích này có tổng diện tích khuôn viên khoảng 3,7ha. Tương truyền, ngôi đền được nhân dân trong vùng dựng lên từ năm 1180 để phụng thờ danh tướng Dương Tự Minh - người có công lao to lớn trong việc giành lại đất đai từ tay giặc Tống và bảo vệ vững chắc vùng biên cương phía Bắc Đại Việt.

Đền được dựng theo lối kiến trúc Á Đông, kiểu tam cấp gồm: Đền Thượng là nơi thờ Mẫu Địa; đền Trung thờ Phò Mã Đô úy Dương Tự Minh; đền Hạ là hai phủ thờ công chúa Diên Bình và công chúa Thiều Dung - hai phu nhân của danh tướng Dương Tự Minh. Năm 1993, Di tích đền Đuổm được Bộ Văn hóa, Thể thao công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia; năm 2017 Lễ hội đền Đuổm được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo các cụ cao niên trong vùng: Trước năm 1980, Di tích lịch sử đền Đuổm chưa có nhiều hạng mục công trình, chỉ gồm ngôi đền Trung có diện tích 40m2 và đền Hạ là phủ thờ 2 vị công chúa (15m²). Từ năm 1980 đến năm 2023, chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng đã 9 lần tu bổ, tôn tạo Đền. Lần tu bổ, tôn tạo năm 1993, cổng tam quan được đầu tư xây dựng theo kiến trúc thời Lý.
Từ nguồn xã hội hóa, mỗi lần tu bổ, tôn tạo, Di tích lại được mở rộng hơn và xây dựng bằng các vật liệu tốt hơn. Tuy nhiên, các vật liệu xây dựng được lựa chọn đưa vào công trình chưa đảm bảo yếu tố lịch sử và niên đại. Hơn thế, quy mô tổng thể của Di tích đòi hỏi được đầu tư xây dựng bài bản, khoa học, phù hợp với kiến trúc, đảm bảo tính lịch sử, xứng tầm giá trị di tích phụng thờ đức thánh Đuổm

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền,đền Đuổm được xếp hạng di tích lịch sử- danh thắng quốc gia từ năm 1993 nhưng về tổng thể, có thể đánh giá các hạng mục trong quần thể di tích không xứng tầm, chủ yếu là các hạng mục nhỏ bé. Trước đây, hạ tầng di tích là tranh tre nứa lá, đơn sơ, không có nhiều hạng mục mang giá trị nghệ thuật. Vì thế mà từ năm 1980 đến nay, quần thể di tích đã trải qua đến 9 lần tu bổ, tôn tạo. Do điều kiện khó khăn về kinh phí nên việc tu bổ còn nhỏ lẻ, chắp vá, thậm chí tùy tiện. Thực trạng hiện nay, nhiều hạng mục đang tiếp tục xuống cấp trầm trọng. Không chỉ kết cấu mà tính thẩm mỹ, độ an toàn của hạng mục công trình di tích cũng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thời gian, thời tiết và địa thế của di tích nằm ở vị trí sườn núi đá. Việc tu bổ, tôn tạo di tích do đó không chỉ là nguyện vọng, mong muốn của chính quyền địa phương và nhân dân mà còn là yêu cầu cấp thiết, như một cách ứng xử văn hóa nhằm tôn vinh công lao to lớn của bậc tiền nhân.
Vấn đề đặt ra là cần phải tu bổ, tôn tạo di tích một cách chuẩn mực, không làm to hơn nhưng phải đẹp hơn, tốt hơn. Hiện trạng di tích cho thấy dấu vết nhiều lần sửa chữa, nhiều hạng mục được xây dựng mới làm phai mờ dấu tích khởi nguyên. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, ở đây dấu tích khởi nguyên của thời Lý là không có.
Bởi vậy, chính quyền địa phương và ngành chức năng đã tích cực triển khai các bước theo quy định. Các hạng mục được tu bổ, tôn tạo lần này gồm: Đền Thượng; đền Trung (khu thờ tự chính của Di tích); 2 phủ thờ nhị vị công chúa; lầu chuông; khu vực hàng rào, cảnh quan Di tích.
Tất cả các hạng mục được làm mới, bề thế, hoành tráng hơn và được thiết kế xây dựng giữ nguyên bản theo kiến trúc thời Lý. Các loại vật liệu xây dựng có độ bền chắc. Tổng kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa khoảng 22 tỷ đồng.
Việc tu bổ, tôn tạo Đền là hết sức cần thiết, đáp ứng niềm mong đợi của nhân dân trong vùng. Chính vì thế, việc đơn vị thi công khởi động triển khai đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Hàng trăm lượt người địa phương đến giúp Ban Quản lý dọn dẹp mặt bằng, di chuyển các linh vật phục vụ tế lễ và tài sản của Di tích đến các vị trí an toàn, tránh thất lạc; vỡ, hỏng.
Việc tu bổ, tôn tạo lần này hứa hẹn làm cho Di tích xứng tầm hơn với giá trị lịch sử. Đền thờ Đức thánh Đuổm vẫn uy linh dựa vào chân núi Đuổm, hướng mặt ra cánh đồng rộng rãi, xa xa là những ngọn núi tựa như cánh nhạn bay, tạo nên cảnh quan vừa thơ mộng vừa hùng vĩ của Di tích.