Chính phủ thảo luận các dự án luật quan trọng, thúc đẩy hoàn thiện thể chế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025 để thảo luận và cho ý kiến đối với 6 dự án luật, đề nghị xây dựng luật.

Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Theo chương trình, phiên họp tập trung xem xét, thảo luận các dự án luật quan trọng, gồm: Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), Luật Cấp thoát nước, Luật Quản lý và phát triển đô thị, Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể chế, khẳng định “thể chế là động lực phát triển”, đồng thời là “điểm nghẽn cần tháo gỡ”. Việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, dành nguồn lực, thời gian và công nghệ để đảm bảo công tác xây dựng pháp luật nhanh chóng, chất lượng, hiệu quả. Mục tiêu là giải phóng toàn bộ sức sản xuất, bao gồm tư liệu sản xuất, tài nguyên, con người, truyền thống lịch sử - văn hóa và các nguồn lực khác phục vụ phát triển đất nước.
Trong quá trình xây dựng pháp luật, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ nguyên tắc “6 rõ”: rõ nội dung lược bỏ, nội dung sửa đổi, nội dung bổ sung, nội dung cắt giảm thủ tục hành chính, nội dung phân cấp - phân quyền, và các vấn đề cần báo cáo cấp trên xem xét, chỉ đạo. Việc ban hành quy định pháp luật mới phải thể chế hóa chủ trương của Đảng, điều chỉnh các nội dung chưa có quy định, sửa đổi những nội dung không còn

phù hợp, tháo gỡ vướng mắc và cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết.
Thủ tướng chỉ đạo quá trình xây dựng văn bản pháp luật phải đảm bảo tính ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ kiểm tra và giám sát. Ông nhấn mạnh cách tiếp cận “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện, mở rộng dần”, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội. Những nội dung đã rõ ràng, được thực tế chứng minh hiệu quả và nhận được sự đồng thuận rộng rãi thì cần sớm luật hóa, trong khi những vấn đề còn biến động, phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, cần có dư địa để tiếp tục hoàn thiện, tổng kết trước khi luật hóa.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tập trung trí tuệ trong quá trình trao đổi, thảo luận, trình bày báo cáo rõ ràng và tập trung vào các vấn đề quan trọng còn có ý kiến khác nhau. Mục tiêu là đảm bảo chất lượng cao nhất cho các dự án luật được trình lên Chính phủ xem xét tại phiên họp.